Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm 'nghẽn' xuất khẩu nông sản (Bài 3)

Cởi 'nút thắt' giống bản quyền, khơi thông xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng, cùng với cà phê, chè, rau, điều thì hoa là một trong 5 sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong năm 2018, giá trị kinh tế từ xuất khẩu mà ngành hoa mang lại đứng thứ hai chỉ sau cà phê. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, lượng hoa xuất khẩu chiếm 15% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh, “nút thắt” giống bản quyền cần phải sớm được cởi bỏ.

Với dự án “Nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa” nông dân sẽ không còn “đói” giống bản quyền khi được doanh nghiệp chuyển giao

Với dự án “Nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa” nông dân sẽ không còn “đói” giống bản quyền khi được doanh nghiệp chuyển giao

Đừng để nước tới chân mới nhảy

Mặc dù, hằng năm công tác bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) trên địa bàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực với việc ngày càng có nhiều giống cây trồng đã được đăng ký bản quyền, bảo hộ. Tuy nhiên, so với chủng loại vô cùng phong phú trên cả nước thì vẫn chỉ như… “muối bỏ biển” và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng cho rằng: Hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền BHGCT cần phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cơ quan chức năng lẫn đơn vị bị xâm hại giống. Đã đến lúc vấn đề BHGCT phải có giải pháp căn cơ để hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch và khỏe mạnh trong lĩnh vực giống cây trồng.

Theo ông Phạm S, trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu hoa trong tỉnh liên tục tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây thì những vướng mắc trong bản quyền giống là chuyện cốt tử và đang là điểm yếu của người trồng hoa Đà Lạt. Hoa Đà Lạt để xuất khẩu, bên cạnh phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm dịch thực vật thì cũng phải chứng minh về nguồn gốc giống hoa có bản quyền. Đây là điều bình thường trong ngành thương mại hoa thế giới.

Tuy nhiên, với nông dân trồng hoa Đà Lạt, mối quan tâm đầu tiên trong canh tác là chọn giống hoa nào để bán được giá trên thị trường. Còn nguồn gốc giống hoa từ đâu? Có vi phạm bản quyền giống hoa hay không thì gần như không mấy ai để ý. Để sản phẩm hoa Đà Lạt vững vàng “bước ra biển lớn”, cần có những “cú huých” trong chiến lược phát triển ngành hoa. Đó là phải thay đổi triệt để từ chiến lược đầu tư, kỹ thuật canh tác cho tới tư duy của doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, làm sao để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc chấm dứt tình trạng dùng giống hoa sao chép lậu, không có bản quyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, việc không có kênh thông tin chính thức tầm quốc gia về giống đã khiến nông dân bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Người trồng hoa hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, nơi bán, hình thái cây hoa, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống.

Chính điều này đã khiến người trồng hoa đang gặp khó khăn khi liên hệ để mua giống thương mại có bản quyền. Do đó, gấp rút cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết, có thể qua Hiệp hội hoa Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm giúp người dân có thể mua các giống có chất lượng đã hết thời hạn bảo hộ của nước ngoài, phục vụ cho sản xuất.

Bên cạnh việc nhập khẩu giống mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu chọn tạo giống mới có chất lượng tốt, có bản quyền, giúp nông dân tự chủ về nguồn giống

Bên cạnh việc nhập khẩu giống mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu chọn tạo giống mới có chất lượng tốt, có bản quyền, giúp nông dân tự chủ về nguồn giống

Cởi trói thủ tục giống cây trồng

Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng: Quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng, để một giống được công nhận giống cây trồng mới phải qua một số lần khảo nghiệm và sản xuất thử. Quá trình khảo nghiệm cũng sẽ phải triển khai ở các vùng sản xuất, ít nhất từ 1 đến 2 năm. Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt cấp phép cho doanh nghiệp triển khai sản xuất thử nghiệm, với thời gian thực hiện từ 1-3 năm. Quy trình này khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí không đáng có. Việc “mất 3 năm để sản xuất một giống”, thay vì đăng ký và làm công tác bảo hộ, một số doanh nghiệp sẽ giữ bí mật để sản xuất riêng.

Bên cạnh đó, quy trình thực hiện các thủ tục khảo nghiệm, công nhận, đăng ký, bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nay tương đối phức tạp, thời gian công nhận giống còn lâu, dẫn đến nhiều loại giống từ lúc nghiên cứu đến khi được bảo hộ mất cả chục năm (cây ngắn ngày khoảng 3,5 đến 4 năm, cây dài ngày trên 10 năm).Vì vậy, các giống cây trồng mới có triển vọng chậm được đưa vào sản xuất, khi giống đến được với nông dân thì chất lượng đã giảm hoặc không còn phù hợp. Đã thế, một số giống vừa mới công bố bảo hộ, nhưng đã bị xâm phạm bản quyền, rồi lại phải tổ chức khảo nghiệm riêng…

Chính điều này đã tạo nên sự thiếu minh bạch về thị trường cây giống có bản quyền. Bởi một số đơn vị rất sợ bị lộ thông tin “chìa khóa” của sản phẩm. Do đó, khi có sản phẩm giống mới dễ bị thất thoát, sao chép thì thay vì công bố bảo hộ rộng rãi, các đơn vị sẽ tự tìm cách giữ bí mật nếu không sẽ mất tính độc quyền.

Chủ thương hiệu hoa lan YSA Orchid nổi tiếng Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Phan Thanh Sang cho biết: Để lai tạo nên những giống hoa lan mới, phục vụ nhu cầu thị trường, công ty đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Từ đây, nhiều loại lan đặc sắc mới đã được lai tạo ra, trong đó phải kể đến những loại lan có hương bưởi, hương dừa, vũ nữ nâu có mùi chocolate như Mitoniopsis, Cattleya, Hồ điệp, lan Hài, Thiên Nga và các loại phong lan Việt Nam...

Tuy nhiên, do chưa xong thủ tục bảo hộ nên ngoài một số giống được công ty nhân giống và công bố rộng rãi ra bên ngoài thì cũng có một loại được công ty sản xuất trong phạm vi bí mật, chưa thể đưa ra thị trường vì rất dễ bị sao chép, dẫn đến thất thoát giống. Cụ thể như cây hoa lan, chỉ cần cắt một đoạn chồi là có thể nhân giống trồng rộng rãi nên nguy cơ bị mất bản quyền giống rất cao.

Để nông dân không còn “đói” giống bản quyền

Ông Lại Thế Hưng nhận định: Những giống hoa bản địa có bản quyền trên địa bàn tỉnh đã rất “lỗi mốt” so với thú chơi hoa của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, kỹ thuật nhân giống hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng không cao so với các loại cây trồng khác, sâu bệnh nhiều, từ đó làm giảm chất lượng. Hơn nữa các giống hoa hiện nay có xu hướng thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong năm 2018, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành cấp 9 giấy phép nhập khẩu cho 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH DaLat Hasfarm, Công ty TNHH Linh Ngọc, Công ty TNHH Nông nghiệp Hồng Hoàng để nhập khẩu 109.000 đơn vị giống. Còn trong năm 2019, Chi cục đã cấp 14 giấy phép thêm cho 4 doanh nghiệp nữa gồm Công ty TNHH Langbiang Farm, Công ty THNH Hoa Chi An, Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh và Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa với 22 loại giống, quy mô 339.000 cây, củ, cành, hạt giống.

Theo ông Hưng, hằng năm để phục vụ sản xuất rau, hoa tỉnh Lâm Đồng cần 6,9 tỷ cây giống. Trong đó, 4,45 tỷ giống rau phục vụ sản xuất 67.000 ha rau các loại/năm và 2,45 tỷ cây hoa giống cung cấp sản xuất cho 8.890 ha các loại/năm. Riêng trong năm 2018, lượng giống hoa nhập khẩu các loại đạt 65,4 triệu đơn vị để canh tác từ 450 - 500 ha giống mới và khoảng 5.000 kg hạt giống rau các loại; 116.400 kg củ giống khoai tây để canh tác khoảng 5.400 ha.

Tuy nhiên, để nhập khẩu các giống mới phục vụ thị trường theo xu hướng hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), gây khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại giống rau, hoa mới theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác nhập khẩu giống cây trồng đang vướng thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Trồng trọt và BVTV triển khai dự án “Nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa” và xin phép Cục BVTV cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu không qua PRA cho các doanh nghiệp, đơn vị; đồng thời hỗ trợ kinh phí với mức định mức tối đa không quá 50% chi phí mua giống nhập khẩu.

Khi nhập các loại giống mới, doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng nhu cầu sản xuất phải thực hiện việc chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất đi kèm kiểm soát tốt bảo hộ, bản quyền giống theo phương thức chia sẻ 60/40. Việc này sẽ giúp phá thế độc quyền giống hoa từ các doanh nghiệp, giúp nông dân hưởng lợi từ dự án.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/van-nan-xam-pham-ban-quyen-va-diem-nghen-xuat-khau-nong-san-bai-3-2965340/