Vấn nạn xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp như... con bạch tuộc
Ngày 17-5, Đoàn công tác TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, có buổi làm việc với huyện Bình Chánh về tình trạng xây dựng nhà không phép tại xã Vĩnh Lộc A.
Cùng dự có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành TP.
Mới xử lý phần nổi của tảng băng chìm
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ báo cáo về vi phạm xây dựng, tính từ tháng 7-2019 đến ngày 30-4-2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm 88 trường hợp (39 không phép, 49 sai phép); về vi phạm đất đai, đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 451 trường hợp, giảm 9 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,96% so với 10 tháng cùng kỳ trước đó.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho rằng vấn đề đất đai, xây dựng trên địa bàn Bình Chánh ví như một “con bạch tuộc”. Đầu não cho vấn đề này là liên quan đến các “đầu nậu”, đối tượng đầu tư đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có xã Vĩnh Lộc A.
Con bạch tuộc này vươn vòi không chỉ ở bên trong mà vươn vòi ra bên ngoài. Cụ thể, bên trong gắn với một số cán bộ bị mua chuộc để làm ngơ cho vi phạm; còn bên ngoài liên quan các đối tượng trung gian khác như cò đất, xây dựng trái phép…
Vừa qua, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết của huyện, bản thân con bạch tuộc này đã rút vòi lại, đã xử lý một vài chi nhánh, huyện đã xử lý hàng loạt cán bộ, thay thế cán bộ ở xã, thị trấn, cho thôi việc cán bộ, công chức vi phạm, kể cả xử lý hình sự.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là xử lý phần nổi của tảng băng chìm mà thôi; còn những cái vòi lớn vẫn đang nhăm nhe nếu lơ lỏng, thiếu quan tâm, thiếu sâu sát sẽ vươn vòi.
Để xử lý thực tế nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ kiến nghị lập lại bản đồ địa chính làm rõ các hiện trạng, các công trình để phân loại xử lý. Đồng thời, về quản lý nhà nước không thể phủ nhận vẫn còn đâu đó một số cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cò đất, nhưng hiện nay chỉ mới dừng ở xử lý hành chính, xử lý cán bộ nên vấn đề quan trọng vẫn là xử lý đầu nậu để xử lý mấu chốt của vấn đề.
Do đó, để xử lý, chặt đứt vòi bạch tuộc này cần xử lý hình sự đối với các đối tượng đầu nậu như xử lý hành vi đưa nhận hối lộ, vấn đề trốn thuế, hành vi lừa dối khách hàng.
Tập trung xử lý nghiêm các đầu nậu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho hay để giải quyết tình trạng xây dựng không phép, trái phép, về giải pháp trước mắt chưa bàn đến điều chỉnh quy hoạch mà phải ổn định và xử lý sai phạm. Ai sai phạm, tổ chức cá nhân nào sai phạm phải xử lý nghiêm chứ không điều chỉnh để hợp thức hóa sai phạm.
Đồng thời, cần nhận diện rõ đối tượng vi phạm để xử lý đúng, trúng; trong đó chú ý đối tượng đầu nậu nên mạnh dạn nghiên cứu, rà soát các đối tượng và đủ điều kiện đưa ra xét xử hình sự.
Mặt khác, có biện pháp xử lý buộc tháo dỡ các công trình sai phạm tại khu vực này. Từ đó, có đánh giá, căn cứ, đưa ra tiêu chí để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể. Ngoài ra, củng cố hệ thống chính trị ở ấp, xã.
Về lâu dài, phải giải quyết bài toán lợi ích, sẽ nghiên cứu xây dựng báo cáo cấp trên các chính sách đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong sử dụng đất ở các dự án quy hoạch.
Cụ thể hóa quy hoạch sử dụng đất để từ đó hướng dẫn cho dân sử dụng đất đúng mục đích và có lợi. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân sống được trên đất. Rà soát quy hoạch nông thôn mới vào trong quy hoạch chung xây dựng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang yêu cầu trước mắt không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép mới. Về lâu dài, phải có giải pháp tổng hợp về điều chỉnh quy hoạch, một mặt đảm bảo nhu cầu chính đáng của người lao động nhập cư.
Cụ thể, xử lý ngay các đầu nậu một cách nghiêm minh để tạo tính răn đe. Từ đó, tạo cho cán bộ tự tin hơn trong xử lý tình trạng xây dựng không phép, trái phép; người dân không dám mua; đầu nậu sợ chính quyền không dám phân lô, bán nền; cán bộ có vấn đề không đúng, không chuẩn phải sợ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang lưu ý trong khi chờ sự thay đổi về cơ chế, bổ sung nguồn lực, nhân lực từng bước giải quyết trọn vẹn câu chuyện, đề nghị sau cuộc họp các sở, ngành có sự hướng dẫn cho cơ sở những điều liên quan đến cơ sở pháp lý để không còn tình trạng quận, huyện đề xuất lên sở, ngành hướng dẫn; còn sở, ngành nói hướng dẫn rồi tại sao không làm.
UBND TP và các sở, ngành có cơ chế đặc biệt cho câu chuyện này trước mắt là huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc A. Đối với Bình Chánh và Vĩnh Lộc A nên xây dựng quy trình xử lý để khi tiếp nhận thông tin phản ánh xử lý xây dựng trái phép, không phép để xử lý kịp thời. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quy định và quy chế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với cách làm ở huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc A thời gian qua về xử lý trật tự xây dựng là không giải quyết căn cơ vấn đề. Đó là sai phạm có lập biên bản, có ra văn bản xử lý nhưng xử lý yếu kém, xử lý để cho tồn tại.
“Cái triết lý này là rất nguy hiểm trong quản lý nhà nước. Bởi vì, xử lý rồi để tồn tại sẽ dẫn đến người mua thấy công trình sai phạm này có tương lai nên tiếp tục đến mua tạo tiền lệ cho việc xây dựng nhà bất hợp pháp. Nếu xử lý để cho tồn tại thì những người chủ trương, vận động chuyển nhượng đất trái phép xây dựng họ có điều kiện làm tiếp. Xử lý nhưng không đến cùng theo xu hướng khuyến khích để cho tồn tại đâu có bị xử lý cuối cùng” - Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy đặt vấn đề lực lượng nòng cốt kích cả cung và cầu xây dựng bất hợp pháp là lực lượng đầu nậu. Vậy vừa qua, chúng ta đã nhắm vào đối tượng này chưa? Chúng ta không coi đây là đối tượng cần xử lý, trong khi đó Chỉ thị 23 đã nêu. Vì vậy, cần tập trung xử lý các đối tượng đầu nậu.
“Phải nói không với việc phân lô đất nông nghiệp để xây dựng nhà không phép, trái phép và chuyển nhượng nhà trái phép” - Bí thư Nhân yêu cầu.
Bí thư Thành ủy đề nghị UBND huyện Bình Chánh cần trao đổi sâu trong Thường vụ Huyện ủy xác định từ nay đến Đại hội Đảng xử lý tình trạng xây dựng không phép ở Vĩnh Lộc A như thế nào? Có chỉ đạo sâu để xử lý sai phạm tại xã Vĩnh Lộc A như bài học của huyện Bình Chánh và cho cả TP. Trả lời hệ thống chính trị ở Bình Chánh có khả năng chấm dứt sự hoạt động của đầu nậu được không?.
Đồng thời, UBND TP và Sở xây dựng TP rà soát, xác định quy trình xử lý khi có thông tin sai phạm trong đất đai ở một phường, một xã. Mặt khác, có phương án đảm bảo cho hệ thống chính trị từ UBND xã, lực lượng thanh tra đủ sức đương đầu với những địa bàn dân cư có diện tích lớn.