Vấn nạn xe tự chế - bao giờ hết nhức nhối?
Nhiều năm qua, xe 3, 4 bánh tự chế, xe lôi, xe giả danh thương binh… đã thành vấn nạn nhức nhối với giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Dư luận Nhân dân đặt câu hỏi, đến bao giờ những 'hung thần' này mới thực sự bị xóa sổ khỏi đường phố?
Bài 1: Những "hung thần" náo loạn đường phố
Những chiếc xe lôi, xe 3, 4 bánh tự chế không được kiểm định kỹ thuật, không đăng ký... đang hàng ngày hàng giờ tung hoành trên khắp đường lớn ngõ nhỏ, gây mất trật tự, ATGT nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Liên tiếp gây tai nạn
Ngày 8/5 vừa qua, một chiếc xe ba bánh chở theo bó sắt dài, khi di chuyển trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã va chạm với một xe buýt. Bó sắt chọc thủng kính chắn và một phần đầu của xe buýt, tài xế may mắn chỉ bị thương; còn chiếc xe ba bánh hư hại nặng.
Trước đó, ngày 23/4, một xe máy tự chế chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân, khi đi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì phần đầu phía trước của những thanh sắt xuyên thủng một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Đúng thời điểm đó, một xe 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy đâm vào các thanh sắt này.
Nghiêm trọng hơn, tại đường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một học sinh tiểu học đi xe đạp đã đâm vào xích lô chở tôn, bị cứa vào cổ và tử vong ngay sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu hay vụ xe ba gác đi từ hướng đê Nguyễn Khoái xuống dốc Đoàn Kết (quận Hoàng Mai) bị lật nghiêng, đè trúng một người đi xe máy khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Đó chỉ là số ít trong hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do xe tự chế, xe lôi vi phạm luật giao thông, lưu thông kiểu bất chấp an toàn, tính mạng của người dân gây nên.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Hoàng Thị Thúy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, những chiếc xe tự chế hoạt động ngoài đường phố đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân từ lâu. Mỗi khi gặp những chiếc xe này, bà Thúy phải nép vào vỉa hè, thậm chí dừng lại để nhường đường vì sợ. “Xung quanh nhà tôi có hàng chục chiếc xe tự chế hoạt động cả ngày lẫn đêm. Không chỉ gây mất ATGT, vào giờ cao điểm, những chiếc xe này còn đi lại kiểu “bố đời”, tạt ngang, tạt ngửa, dừng đỗ lung tung, bất chấp gây tắc đường, bà con bức xúc. Có ai dám nói gì đâu vì sợ” - bà Hoàng Thị Thúy chia sẻ.
Đó cũng là tình trạng diễn ra trên nhiều tuyến phố Hà Nội hiện nay. Hình ảnh những chiếc xe lôi, xe ba gác tự chế chở hàng cao ngất ngưởng, lượn lách xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Nhiều ý kiến cho rằng, xe tự chế mới thực sự là xe “vua” trên đường phố Hà Nội bởi vi phạm ngang nhiên, thường xuyên, phổ biến, thậm chí ngay trước mặt lực lượng chức năng mà không ai tuýt còi.
Công tác xử lý chưa hiệu quả
Thiếu tá Đinh Xuân Thăng - cán bộ đội CSGT 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi đều tuần tra, xử lý vi phạm đối với người sử dụng xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. Chủ yếu những người ngày thuộc nhóm lao động khó khăn, thiếu kinh phí chuyển đổi phương tiện vận chuyển”.
Theo Thiếu tá Đinh Xuân Thăng, nhiều phương tiện bị bắt giữ đã cũ nát, không đảm bảo an toàn, thậm chí không còn giấy tờ, biển số. Quá trình xử lý cũng gặp không ít khó khăn khi những người này chây ì, không xuất trình giấy tờ hoặc bỏ lại xe do giá trị phương tiện quá thấp so với mức xử phạt hành chính theo quy định.
“Chúng tôi kiên quyết, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính những phương tiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp không xuất trình được giấy tờ xe, phương tiện tự chế gây nguy hại đến người tham gia giao thông, chúng tôi tiến hành tịch thu xe, không để diễn ra tình trạng tái phạm” - Thiếu tá Đinh Xuân Thăng cho biết thêm.
Tuy nhiên, không khó để bắt gặp những chiếc xe tự chế nghênh ngang đi ngoài đường. Thậm chí, nhiều trường hợp xe tự chế đi ngang qua khu vực lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nhưng không bị xử phạt.
Mặc dù quy định xử phạt đã có, song tình trạng xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn đang diễn ra phổ biến.
Chỉ ít ngày sau khi UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng thắt chặt hoạt động của xe ba gác tự chế, ngày 17/5, một vụ tai nạn do loại phương tiện này gây ra trên đường Vành đai 2, đoạn thuộc phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) lại gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Cụ thể, một nam thanh niên điều khiển xe ba bánh lưu thông ở đường Vành đai 2 trên cao theo hướng đi Võ Chí Công. Khi đến lối rẽ xuống đường Hoàng Quốc Việt thì xảy ra va chạm với một xe máy đi cùng chiều bên phải. Cú va chạm khiến người đi xe máy mất lái sau đó bị hất văng qua dải ta-luy đường và nằm trên bãi cỏ. Nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Chiếc ba gác gây tai nạn bốc cháy dữ dội. Đáng chú ý, thanh niên điều khiển xe ba gác mới 17 tuổi.
Ông N. T. H. trú tại quận Ba Đình (Hà Nội), một chủ sở hữu của 2 chiếc xe ba gác tự chế cho biết: “Gia đình tôi làm dịch vụ cung cấp nhôm kính, sắt thép nên những chiếc xe ba gác tự chế rất tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa vào những con ngõ nhỏ”. Bên cạnh đó, ông H. cho rằng, việc sử dụng những chiếc xe này còn tiết kiệm chi phí nhiên liệu, cũng như nhân công điều khiển và không cần bằng cấp.
Anh L. V. P (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua một chiếc xe ba gác để làm, ai thuê chở gì thì chở. Hàng hóa đa dạng như giường tủ, cửa, bàn ghế… Cũng biết sử dụng xe này là trái quy định của pháp luật, nhưng điều kiện kinh tế không đủ để chuyển đổi sang loại xe khác”.
Anh P. cũng phân trần rằng, những chiếc xe ba gác tự chế có giá rẻ hơn rất nhiều so với những dòng xe khác để làm vận chuyển, chỉ dao động từ 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, phương tiện này sửa chữa, thay thế linh kiện rất dễ, nên thông dụng với người lao động.
Thực tế cho thấy, không chỉ một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh, mà còn có những đối tượng cố tình sử dụng xe ba bánh, xe tự chế phục vụ cho việc kinh doanh hộ gia đình...
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-nan-xe-tu-che-bao-gio-het-nhuc-nhoi.html