Văn nghệ Đồng Nai số 33: Nhiều tác phẩm hấp dẫn
Văn nghệ Đồng Nai số 33 (tháng 9 và 10-2019) có những nội dung sau:
Mở đầu tạp chí là bài viết của Hồng Ngọc về kỷ niệm 10 năm Ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là năm đầu tiên Đồng Nai tổ chức chương trình Hội ngộ nghệ sĩ miền Đông với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu của miền Đông Nam bộ.
Trong số này, tạp chí tiếp tục hướng tới 40 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (1979-2019) với bài viết Những ngày đầu đến Hội của nhà thơ Đàm Chu Văn kể về những kỷ niệm khi ngày đầu nhà thơ đến Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, đặc biệt là bài thơ Hoa rừng của tác giả được in trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai cách đây hơn 30 năm.
Còn tác giả trẻ Huyền Quy lại kể về những cảm xúc, những trải nghiệm lần đầu đến với nghiệp viết; những bỡ ngỡ lạ lẫm rồi dần thuần thục và có những thành quả nhất định trong sáng tác của mình.
Mục Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này giới thiệu bài viết của Mai Sơn Có một người Đồng Nai như thế viết về PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cũng là một văn nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2019), Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai giới thiệu trang thơ của những tác giả nữ đang sinh sống và làm việc ở Đồng Nai như: Nguyễn Thị Phấn, Phạm Hải Yến, Lê Thị Thanh Bình, Minh Hạ, Vân Lê, Phạm Thị Oanh.
Trong số này, tạp chí giới thiệu nhiều truyện ngắn hấp dẫn như Phượng hoàng của Trần Thúc Hà, Mùa hè quê mẹ của Dương Đức Khánh, Tiếng sáo trên dòng Lung Cùng của Nguyễn Thị Việt Hà, Tôi đi học của Ngô Hoàng Hoa…
Ngoài truyện ngắn, bút ký, thơ, tạp chí cũng giới thiệu nhiều bài viết ở các chuyên mục. Bạn đọc sẽ được biết đến những hoạt động thiện nguyện được tổ chức thường xuyên ở TP.Long Khánh qua bài Chuyện về bếp ăn từ thiện của Minh Vũ; biết đến những tục thờ cúng cũng như tập tục của địa phương qua bài Tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng ở Đồng Nai của Phan Đình Dũng và Tục treo ong vò vẽ của người Chơro ở Phú Lý của Uyên Linh; biết đến đất nước Hungary xa xôi xinh đẹp qua bài ký Một thoáng Hungary của Hoàng Đình Nguyễn…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.