Văn nghệ sĩ chung tay hướng về miền Trung
Cùng với người dân cả nước quyên góp ủng hộ miền Trung đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề vì mưa lũ…, rất nhiều văn nghệ sĩ Đồng Nai đã chia sẻ với người dân nơi đây qua những bài thơ, ca khúc và các chương trình nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện.
Các tác phẩm văn học - nghệ thuật của Đồng Nai ra đời trong bối cảnh này không chỉ bày tỏ sự đồng cảm với người dân vùng lũ mà còn lên án những hành động xâm hại đến môi trường.
* Chia sẻ bằng thơ ca, nhạc họa
Trước sự hy sinh quên mình của 13 cán bộ, chiến sĩ tại thủy điện Rào Trăng tỉnh Thừa Thiên - Huế trong đợt lũ lụt vừa qua, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã sáng tác ca khúc Rào Trăng trăng khóc với những ca từ xúc động lòng người. Bài hát với những giai điệu xúc động, sâu lắng: “Anh đi về phía núi/Nơi đất lở, rừng mưa/ Anh đi vì mệnh lệnh, mệnh lệnh của trái tim… miền Trung lũ lụt/ Sạt lở tàn hoang/ Bao người đã khóc/ Rào Trăng trăng khóc, thủy điện Rào Trăng bao người đã ngã/ Mẹ thiên nhiên nổi giận/ Mẹ Việt Nam xót xa/ Những người con tuyệt vời…”.
Nhạc sĩ Cao Hồng sơn cho biết, ca khúc được ông sáng tác chỉ trong vòng 1 đêm để kịp tri ân, đưa tiễn các anh - những người con Việt Nam tuyệt vời. Các anh không quản ngại khó khăn, vất vả đi làm nhiệm vụ giữa bão lũ điên cuồng. Biết nguy hiểm vẫn không nản lòng, xông pha vào nơi nhân dân cần vì nhân dân đang gặp nạn, vì nhân dân đang cần các anh. Ca khúc sau khi hoàn thành được ông đăng tải trên Facebook cá nhân, nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.
Nhạc sĩ Trần Tâm chia sẻ: “Qua các kênh thông tin đại chúng, chúng tôi hiểu, cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bà con vùng bão lũ miền Trung. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi sáng tác thơ ca, nhạc họa cũng như tổ chức nhiều đêm nhạc gây quỹ để giúp đỡ người dân. Chúng tôi mong muốn dùng chính niềm đam mê văn học - nghệ thuật của mình để khơi dậy tình yêu thương, lòng nhân ái, giúp bà con miền Trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua”.
Chung tấm lòng hướng về miền Trung đang chịu thiệt hại to lớn về người và của trong bão lũ, nhạc sĩ Trần Tâm cũng đã kịp thời sáng tác ca khúc Thương quá miền Trung. Với ca từ nhẹ nhàng, xúc động bài hát đã bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu: “Xóm làng đồng sâu chìm trong cơn lũ/ Có mẹ già ngồi ôm xác con/ Mắt như không còn lệ khóc đời đau thương… Bão giông mang bao nỗi xót xa/miền Trung quê hương điêu tàn/Buồn đau vang trời tiếng khóc than”.
Cùng với âm nhạc, thơ ca của các tác giả, nhà thơ ở Đồng Nai đã viết nhiều vần thơ xúc động thể hiện sự quan tâm, lo lắng khi xem những hình ảnh, nghe những thông tin về tình hình lũ lụt ở miền Trung. Các tác giả đã động viên, chia sẻ với đồng bào đang phải ngày đêm chống chọi với mưa lũ thiên tai gây ra, cầu mong người dân miền Trung sớm quay lại cuộc sống yên bình. Thơ ca đều chung niềm tin, mưa lũ đi qua, tình người ở lại.
Trong bài thơ Thương quá miền Trung, tác giả Mai Hân Hạnh chia sẻ: “Chết chóc, đói lòng nước mắt cạn khô/ Hỡi lá lành, có thấu thương lá rách/Ta đùm nhau trong mỗi tấm lòng/ Bầu với bí chung giàn đừng chia tách”. Trong bài thơ Mưa lòng, tác giả Nguyễn Duy Đồng bày tỏ: “Nỗi thảm thiết nghẹn từng tiếng nấc/ Cơn mưa lòng tầm tã niềm đau/Đội cứu hộ mười ba người tử biệt/ Đi cứu người sao núi lại đè lên?”; hay trong bài Bão, lũ miền Trung, ông cũng đặt câu hỏi: “Một đời trải mấy rụng rời/ Mỗi mùa mỗi nổi giọt rơi hao gầy/ Sao rằng cứ mẹ ở đây/ Mẹ ơi…trĩu nặng/ Vơi đầy… lòng con”.
Hầu hết các sáng tác văn học - nghệ thuật hướng về miền Trung đều được các tác giả ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Mới đây, tác giả Đường Quốc Thành đã giới thiệu tác phẩm mỹ thuật Chạy lũ (chất liệu gò đồng) đến công chúng qua trang Facebook cá nhân. Mạng xã hội là phương tiện vừa giúp văn nghệ sĩ giao lưu, trao đổi những câu chuyện, bày tỏ chia sẻ, tình cảm đến với đồng bào vùng lũ vừa góp phần lưu giữ và tác phẩm đến gần với công chúng hơn.
* Nhiều chương trình nghệ thuật gây quỹ
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức 2 chương trình nghệ thuật gây quỹ. Có 10 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc với chủ đề bảo vệ môi trường, vì một hành tinh xanh phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh như: Thời khắc (múa); Hãy giữ hành tinh xanh (tốp ca); Vô sắc (múa); Tiếng lòng biển khơi (tốp ca); Màu xanh (tốp ca); Thức tỉnh (tốp múa); Hát cho hành tinh xanh (tốp ca)...
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, chương trình nghệ thuật mang tên Cảm thức, được các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đầu tư công phu, thể hiện vấn đề "nóng" hiện nay về biến đổi khí hậu, rác thải, nạn phá rừng. Thiên nhiên trong chương trình hiện ra với biển, rừng, đất, không khí... Mỗi lời ca, điệu múa giúp người nghe, người xem cảm nhận được môi trường đang bị hủy hoại, hậu quả của nó cũng như lời nhắc nhở mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
“Chương trình được biểu diễn trực tuyến trên kênh Facebook, YouTube của nhà hát vào lúc 9 giờ ngày 24-10 và 20 giờ ngày 25-10. Mọi sự đóng góp thông qua chương trình nghệ thuật gửi về Quỹ Cứu trợ xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh” - NSƯT Quế Anh nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, từ nay đến ngày 31-10, ngoài tổ chức biểu diễn lưu động phục vụ nhân dân chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trung tâm sẽ lồng ghép biểu diễn những tiết mục ca múa nhạc hướng về miền Trung. Cùng với biểu diễn, trung tâm đang huy động các nguồn lực ủng hộ đồng bào vùng lũ. Toàn bộ tiền thu được trong đợt vận động sẽ được trung tâm trao tận tay người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng mưa lũ ở miền Trung.
Bằng những vần thơ, lời ca, tiếng hát… văn nghệ sĩ Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung cùng với các tầng lớp nhân dân đã và đang góp phần động viên người dân vùng bão lũ vượt qua khó khăn. Những hành động đẹp theo đó được nhân rộng, truyền cảm hứng để cộng đồng tiếp tục kết nối và sẻ chia nhiều hơn.