Văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác
Sáng nay (19/11), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật' với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ Hà Nội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết: Một dấu hiệu mới của đời sống văn học, nghệ thuật những năm qua là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới. Gắn liền với khuynh hướng đó là sự phát triển khá mạnh, có phần xô bồ của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm được biểu hiện rõ nhất trong văn học, âm nhạc trẻ, trong hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trong múa hiện đại và sân khấu thể nghiệm...
Sự xuất hiện và phát triển của lực lượng sáng tác trẻ với những dấu hiệu, đặc điểm mới trên hầu hết các loại hình nghệ thuật đem đến một sinh khí mới, triển vọng phát triển mới trong văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc chấp nhận và thể hiện chức năng giải trí như là một nhu cầu của công chúng nghệ thuật bên cạnh các chức năng cơ bản khác, là một dấu hiệu mới góp phần mở rộng ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật và đáp ứng một nhu cầu chính đáng của công chúng.
Bàn về việc nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Trí Trắc – Phó Chủ tịch Hội sân khấu Hà Nội cho rằng, nâng cao chất lượng sân khấu Thủ đô trước hết, thuộc về tác giả biên kịch. Không có kịch bản văn học thì không có tác phẩm sân khấu. Chất lượng tác phẩm sân khấu phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng kịch bản. Ngoài ra, còn thành tố thứ hai là các nhà quản lý. “Vậy, làm thế nào để lực lượng quản lý được nâng cao chất lượng sáng tác? Câu hỏi này, hôm nay cũng chưa có lời đáp. Vì lực lượng quản lý các nhà hát bây giờ theo cơ chế tự chủ - cơ chế vô cùng khắc nghiệt với đời sống nghệ sĩ hằng ngày, nên “thực chưa có, thì vực đạo làm sao?””, tiến sĩ Trần Trí Trắc đặt câu hỏi.
Theo thạc sĩ, nhà biên kịch Tống Phương Dung, Covid-19 xuất hiện đã làm chao đảo cả thế giới, tác động rất lớn và rất xấu đến tất cả mọi mặt của đời sống, gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng đến tất cả các nền kinh tế, các ngành nghề, các lĩnh vực, và điện ảnh thế giới nói chung - điện ảnh Việt Nam nói riêng cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng ấy. Hàng loạt dự án phim hoãn bấm máy, với các hãng phim tư nhân gặp khó khăn chồng chất vì nhiều bộ phim đã hoàn thành nhưng không thể ra rạp, doanh thu phòng vé toàn quốc giảm mạnh. Còn ở các hãng phim nhà nước - đặc biệt là Hãng phim truyện Việt Nam, thì vẫn đang điêu đứng vì câu chuyện cổ phần hóa.
“Sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã và đang làm cho xu hướng và cách thức giải trí của khán giả thay đổi một cách vô cùng rõ rệt, và ngành điện ảnh cũng cần nắm bắt, tiếp cận nhu cầu ấy để có được hướng đi cần thiết và phù hợp. Trong bối cảnh Covid 19 còn đang diễn biến phức tạp thì tôi cho rằng việc sản xuất phim chiếu online là một giải pháp đúng đắn và hợp lý để duy trì hoạt động của hoạt động điện ảnh”, nhà biên kịch tham gia giải pháp.
Tạo buổi tọa đàm, các văn nghệ sĩ cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô được nâng cao về chất lượng và lan tỏa rộng rãi tới công chúng.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm khẳng định rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội là phương tiện “ngon, bổ, rẻ” miễn phí, lan tỏa nhanh và rộng khắp. Mỗi văn nghệ sỹ nên tận dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất, để tôn vinh văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới và khẳng định “thương hiệu” văn nghệ sĩ của mình. Không nên dễ dãi, đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận nông cạn, cực đoan lên mạng xã hội. Bởi mạng xã hội là hình ảnh, uy tín của văn nghệ sĩ với công chúng.