Vặn nhỏ mùa Xuân
Vậy là những cụm từ 'ổ dịch', 'phong tỏa', 'khống chế', 'thần tốc truy vết', 'cách ly tập trung', 'bệnh viện dã chiến', 'lên tuyến đầu',... lại rộ lên trên khắp các trang báo, mạng xã hội. Khi chỉ còn đúng 11 ngày nữa là đón thời khắc giao thừa năm Tân Sửu.
Vậy là COVID-19 lại bùng phát, khả năng sẽ thêm một cái Tết không bình yên. Hay có thể nói là sẽ "bình yên" tại chỗ, với phần lớn các hoạt động buộc phải “đóng băng”. Xót xa cho hàng không, du lịch, dịch vụ, vừa manh nha với bao chương trình, dự định kích cầu dịp Xuân về giờ lại phải hủy bỏ, đứng yên phòng chặn dịch.
Chúng ta bị buộc quay trở lại với tâm lý “thời chiến”, sau vài tháng hòa bình khi dứt đợt dịch thứ hai. Tình thế dịch giã đang liên tục gia tăng khủng hoảng toàn cầu này, vẫn lường trước đó là sẽ chỉ khoảng thời gian “hưu chiến”. Nhưng, sao vẫn thấy thảng thốt, hụt hẫng. Nỗi khổ đau, nghịch cảnh cho dù ngắn ngủi, nhưng luôn cho ta cảm giác về sự kéo dài thật chậm thật lâu, hơn mọi sự bình thường đằng đẵng suốt mỗi đời người.
Và cuộc sống vẫn âm thầm theo quy luật của nó, cho dù ta không muốn nắm bắt, không muốn chấp nhận nó. Thứ virus này cũng theo quy luật của nó. Quốc gia nghèo không có tiền mua vắc xin thì các quốc gia khác phải hỗ trợ, nếu không sẽ cùng chịu hậu quả. Đó là khi cả thế giới và nhân loại này cùng chung một con thuyền. Không còn ở kỷ nguyên manh mún và tự phát, bởi chuỗi giá trị toàn cầu, cũng là chuỗi chia sẻ toàn cầu.
Cả con người, vẫn luôn là con người, theo quy luật nguyên sơ nhất.
“Con người chỉ là sản phẩm của cách mà mình suy nghĩ”, Mahatma Gandhi đã nói điều đó. Và hôm qua, ngày 30/1 của 73 năm về trước, vị Thánh của sự nhân từ, bao dung và thông thái ấy bị những kẻ cực đoan bắn chết trước cửa đền thờ.
Nhiều người Mỹ đang nổi giận vì kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố 11/9 cùng nhiều tù nhân khác đang bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo sắp được tiêm vắc xin COVID-19. Một sự “ưu ái” hơn rất nhiều người Mỹ khác! Tròn 20 năm trôi qua sau sự kiện kinh hoàng ấy rồi, vậy mà nỗi đau vẫn chưa lành vết. Nhưng đã là đồng loại với nhau, có thể làm điều gì khác để chống lại sự bao dung?
Cả nước dồn dập, thần tốc chống dịch với quyết tâm cao nhất. Đà Nẵng tháo dỡ Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn chuyển ra chi viện cho Hải Dương. Những bóng áo trắng, áo xanh lại lên đường...
Đêm giao thừa năm trước, ngồi viết những dòng tiễn đưa thời gian, tôi đã nhớ tới câu thơ của thi sĩ Thi Hoàng “Khuôn mặt ai như ngọn đèn vặn nhỏ". Lúc ấy, dịch giã đã bắt đầu dồn dập xung quanh, cảm giác như mình “đã già”, tìm cách vặn nhỏ ngọn đèn mùa xuân để thao thức với chính mình. Còn thời khắc này, biết bao người chúng ta cũng đang tìm cách tạm “vặn nhỏ” những dự định, hoài ước lớn lao của mình, trong giai đoạn khó khăn.
Nhưng vẫn không để tắt đi niềm tin, và tình người...
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/van-nho-mua-xuan-1786999.tpo