Vạn Ninh: Tiếp sức cho người khiếm thị

Thời gian qua, Hội Người mù huyện Vạn Ninh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho hội viên. Qua đó, giúp hội viên có việc làm, nâng cao thu nhập để dần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Vượt lên số phận

Tuy không may bị khiếm thị do bị tai nạn trong quá trình lao động nhưng ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Trung Dõng 3, xã Vạn Bình) luôn nỗ lực vươn lên trong lao động và sinh hoạt. Ông Hùng cho biết, từ khi tham gia hội vào năm 2019, ông luôn nhận được sự quan tâm động viên của các cấp hội và được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được vay vốn 30 triệu đồng của Quỹ Từ thiện xã hội, ông Hùng mở tiệm tạp hóa nhỏ cho vợ buôn bán; đồng thời đầu tư chăn nuôi gia cầm với số lượng hiện nay khoảng 200 con gà, vịt. Ông Hùng chia sẻ: “Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi giúp gia đình đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày và lo cho con ăn học. Tuy vẫn còn khó khăn nhưng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để cuộc sống gia đình được tốt hơn”.

Tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng.

Tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Thứ (thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng), nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của hội đã giúp ông dần xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập tốt với cộng đồng. Ông Thứ cho biết, được sự quan tâm, định hướng của hội, năm 2016, ông tham gia lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Sau khi học nghề, ông Thứ về địa phương mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại nhà. Ông Thứ còn được hội hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng để mua trang thiết bị làm nghề nên có việc làm ổn định, thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng. Được biết, năm 2022, ông Nguyễn Văn Thứ đạt giải khuyến khích tại Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp do Hội Người mù Việt Nam tổ chức.

Hỗ trợ hội viên làm kinh tế

Ông Nguyễn Ngọc Liễu - Chủ tịch Hội Người mù huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, hội có hơn 170 hội viên, đang sinh hoạt tại 13 chi hội trên địa bàn huyện. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, cùng với việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống cho hội viên, Hội Người mù huyện đã chú trọng, tạo điều kiện cho hội viên được học nghề, vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, hội duy trì cơ sở sản xuất chổi đót và tăm tre, giải quyết việc làm cho 15 hội viên. Từ năm 2018 đến nay, cơ sở đã sản xuất hơn 10.000 cây chổi đót, hơn 75.000 gói tăm tre. Nhờ đó, mang lại doanh thu gần 350 triệu đồng, giúp hội viên có thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Hội còn khuyến khích, định hướng cho các hội viên mở cơ sở sản xuất và kinh doanh tại nhà; phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về khuyến nông; mở 4 lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho 28 hội viên…

Ông Nguyễn Văn Thứ xoa bóp, bấm huyệt cho khách.

Ông Nguyễn Văn Thứ xoa bóp, bấm huyệt cho khách.

Đồng thời, hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ Từ thiện xã hội, với tổng số tiền hơn 420 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay đã tiếp sức cho nhiều gia đình hội viên phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tạo việc làm cho 9 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các hội viên đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông, kinh doanh nhỏ đạt hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo thêm việc làm, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, Hội Người mù huyện Vạn Ninh có khoảng 60 hội viên trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, nguồn vốn vay được phân bổ cho hội từ Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ Từ thiện xã hội chỉ khoảng 100 triệu đồng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hội viên. Vì vậy, hội kiến nghị các cấp quan tâm tăng nguồn vốn vay cho hội để hội viên được tiếp cận, có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từ đó hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

ĐỒNG XUÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/van-ninh-tiep-suc-cho-nguoi-khiem-thi-9d613c2/