Vẫn 'nóng' ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi
Ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh không còn là vấn đề mới, nhưng vẫn 'nóng' vì liên tục tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dù đã nhiều lần bị xử phạt, tình trạng trại lợn gây ô nhiễm vẫn lặp lại, khiến người dân sống gần khu vực chịu ảnh hưởng không khỏi bức xúc.

Trang trại lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri - Vina trên địa bàn xã Đồng Lương dù được đầu tư quy mô nhưng lại là điểm “nóng” về môi trường khi người dân nơi đây liên tục phản ánh tình trạng gây ô nhiễm.
Tại thôn Viên, xã Giao An, hộ gia đình bà Lê Thị Chính từng được giao khoán đất lâm nghiệp để sản xuất theo mô hình gia trại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hộ này đã tự ý mở rộng quy mô chuồng trại lên khoảng 300 con lợn, trong khi không có phương án chăn nuôi hợp lệ, không có giấy phép môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp. Kết quả kiểm tra cho thấy, gia đình bà Chính chỉ sử dụng 2 bể biogas dung tích 18m3, rồi xả trực tiếp ra ao tù khoảng 300m2. Xác lợn, gà chết cũng bị vứt xuống ao, gây mùi hôi thối nồng nặc quanh khu vực. Sau phản ánh của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, yêu cầu hộ gia đình này di chuyển toàn bộ đàn lợn ra khỏi khu vực, khắc phục hậu quả ô nhiễm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Thiệu Tiến. Trước đó, UBND huyện Thiệu Hóa (cũ) đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động chăn nuôi và xả thải trong vòng 6 tháng đối với trang trại của ông Ngô Văn Lãm (ở thôn Thành Đông) do phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Theo kết luận kiểm tra, chủ trang trại này đã tự ý xây dựng công trình bể chứa nước thải ngoài phạm vi được cấp phép và lắp đặt đường ống xả thải trực tiếp ra sông Mậu Khê mà không qua xử lý. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính 170 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, chỉ cho phép hoạt động trở lại khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý môi trường.
Một trong những vụ việc gây bức xúc kéo dài nhất phải kể đến là trang trại chăn nuôi của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri - Vina trên địa bàn xã Tân Phúc (nay là xã Đồng Lương). Dự án này từng được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư từ năm 2021, với quy mô lên đến 60.000 con lợn/năm, chiếm diện tích hàng chục nghìn m2. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu vận hành thử nghiệm đầu năm 2024, người dân liên tục phản ánh về tình trạng phát tán mùi hôi thối nặng nề ra môi trường xung quanh.
Đỉnh điểm là vào cuối tháng 6/2024, hàng trăm người dân xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh đã tụ tập, chặn xe chở lợn và phản đối hoạt động của trang trại. Kết quả kiểm tra sau đó xác định nguyên nhân do rò rỉ khí biogas, lưới chắn mùi bị hở, hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu và sử dụng hóa chất không đúng liều lượng. UBND tỉnh đã đình chỉ hoạt động trang trại từ ngày 30/7/2024 để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau, đến tháng 5/2025, doanh nghiệp lại được phép hoạt động trở lại. Và chỉ ít ngày sau khi tái hoạt động, người dân tiếp tục phản ánh mùi hôi nồng nặc trở lại, ảnh hưởng tới cả thị trấn Lang Chánh (cũ), nay là xã Linh Sơn.
Ông Lê Phi L. ở thôn Tân Thủy, xã Đồng Lương, ngao ngán: “Kể từ khi trại lợn đi vào hoạt động, cả nhà tôi phải sống chung với mùi hôi thối, đặc biệt vào sáng sớm và chiều muộn”. Cùng chung bức xúc là trường hợp bà Phạm Thị H. ở xã Linh Sơn: “Trại lợn cách nhà tôi mấy cây số mà mùi hôi vẫn nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Không rõ đơn vị họ chăn nuôi kiểu gì, nhưng mùi hôi cứ kéo dài thế này thì quá sức chịu đựng của bà con”. Theo lãnh đạo xã Đồng Lương lý giải, việc người dân phản ánh tình trạng môi trường, xã đều có báo cáo, phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, để xử lý triệt để được vấn đề, ngoài chế tài nghiêm khắc, xử phạt mạnh tay thì mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở ý thức của chủ trang trại, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, một số địa phương đã bộc lộ “lỗ hổng” trong công tác quy hoạch và giám sát phát triển các trang trại chăn nuôi. Nhiều dự án được triển khai gần khu dân cư, chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường, hoặc dù có đánh giá nhưng việc kiểm tra, giám sát sau đó lại lỏng lẻo, dẫn tới hệ lụy kéo dài. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm môi trường hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Các mức phạt còn thấp, chưa tương xứng với hậu quả gây ra... Đây cũng là lý do khiến tình trạng tái diễn vi phạm kéo dài mà chưa có hồi kết.
Theo quy định, các trại chăn nuôi có hành vi xả thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng; kèm hình thức xử phạt bổ sung, như bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng nếu tái phạm.