Văn phòng CDC Đông Nam Á: Covid-19 đưa ra những bài học cho hiện tại và tương lai

Chia sẻ với báo chí quốc tế qua điện thoại ngày 27/8, Bác sĩ, Tiến sĩ John MacArthur, Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng, bài học từ dịch Covid-19 cho chúng ta thấy rằng, dịch bệnh không có biên giới và các mối đe dọa về sức khỏe chỉ được giải quyết hiệu quả thông qua sự hợp tác và cam kết chung.

Tiến sĩ John MacArthur, Giám đốc Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á cho biết hợp tác chống Covid-19 sẽ là ưu tiên trước mắt của Văn phòng. (Nguồn: USAID Asia)

Tiến sĩ John MacArthur, Giám đốc Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á cho biết hợp tác chống Covid-19 sẽ là ưu tiên trước mắt của Văn phòng. (Nguồn: USAID Asia)

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khai trương văn phòng Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về “sứ mệnh” của Văn phòng này?

Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á có vai trò chiến lược trong dự phòng ứng phó với các khủng hoảng y tế toàn cầu có thể xảy đến trong tương lai. Tôi rất vui mừng và vinh dự là một phần của chương mới nhất này, tiếp nối quá trình hoạt động liên tục của chúng tôi ở khu vực.

Dù có trụ sở tại Việt Nam, nhưng các hoạt động của Văn phòng sẽ trải rộng tới tất cả các nước trong khu vực. CDC Đông Nam Á là thành quả của quá trình hợp tác Mỹ-ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh thời gian qua; đồng thời là minh chứng cho sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh.

Mối quan hệ của CDC Mỹ với Đông Nam Á đã bắt đầu từ 70 năm trước, từ năm 1950, khi các nhân viên kỹ thuật của CDC phát triển các chương trình nhằm đối phó với dịch bệnh sốt rét-một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng ở khu vực vào thời điểm đó.

Trong 70 năm qua, khu vực Đông Nam Á đã trải qua những thay đổi to lớn và phát triển năng động. Sự di chuyển thường xuyên của người dân cũng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong vòng 20 năm qua, khu vực đã chứng kiến nhiều dịch bệnh mới khác nhau như cúm gia cầm, MERS, Zika...

Văn phòng khu vực của chúng tôi sẽ làm việc để điều phối cách tiếp cận của CDC nhằm giúp giải quyết các rủi ro liên quan đến sự phát triển của các mầm bệnh mới có khả năng gây ra đại dịch. Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường mối quan hệ với các bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và các đối tác khác để thực hiện sứ mệnh của mình.

Bài học từ dịch Covid-19 cho chúng ta thấy, dịch bệnh không có biên giới và các mối đe dọa về sức khỏe chỉ được giải quyết hiệu quả thông qua sự hợp tác và cam kết chung. CDC Đông Nam Á đảm bảo rằng Mỹ sẽ hỗ trợ khu vực xây dựng năng lực y tế công cộng, nâng cao khả năng ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa từ dịch bệnh.

Mục tiêu dài hạn của CDC Mỹ còn là thiết lập mạng lưới liên kết chặt chẽ với khoảng 8 đến 12 văn phòng khu vực trên toàn cầu như CDC Mỹ Latinh, CDC Trung Đông, CDC Bắc Phi, CDC Trung Âu... Phương pháp tiếp cận theo khu vực sẽ giúp CDC phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn với các đợt bùng dịch về sau.

Vì sao Mỹ lại lựa chọn Việt Nam là “trái tim” kết nối các CDC Mỹ ở khu vực Đông Nam Á?

Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện một chuyến đi nhiều năm trước của các chuyên gia y tế phòng chống sốt rét CDC Mỹ đến Việt Nam làm việc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong chuyến đi đó, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của Việt Nam.

Việt Nam được chọn là trụ sở CDC khu vực Đông Nam Á bởi vì Việt Nam và CDC Mỹ đã có nền tảng hợp tác thành công trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong các chương trình hợp tác về bệnh AIDS, như Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về Cứu trợ AIDS (PEPFAR). Thêm nữa, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời cũng rất tích cực trong các chương trình an ninh y tế toàn cầu. Chúng tôi mong muốn văn phòng này đóng vai trò trung tâm kết nối các văn phòng CDC Mỹ ở cấp độ song phương khác trong khu vực. Nỗ lực này cho thấy Mỹ đã rất cố gắng xây dựng một hệ thống an ninh y tế mạnh mẽ hơn trong khu vực Đông Nam Á.

Ngay từ đầu, Việt Nam đã làm rất tốt việc phòng chống dịch bệnh. Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của biến thể Delta sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn một chút với Việt Nam. Hiện Việt Nam đang đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng cho người dân. Một thông tin tốt là thông qua COVAX và các nỗ lực trao tặng vaccine khác, chúng tôi thấy ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng cho người dân - và tôi nghĩ đó là một công cụ quan trọng để kiểm soát dịch bệnh

Cho đến nay, Mỹ đã tài trợ hơn 23 triệu liều vaccine cho khu vực ASEAN, trong đó có 6 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Mỹ đã cam kết tài trợ 500.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, để hỗ trợ việc mua thêm vaccine cho khu vực và sẽ bổ sung 500 triệu vaccine Pfizer để phân phối thông qua cơ chế COVAX.

Tại buổi khai trương Văn phòng, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết sẽ có chương trình tập huấn cho đội ngũ chuyên gia dịch tễ về phát hiện dịch bệnh-“thám tử dịch bệnh”, bác sĩ có thể thông tin cụ thể hơn về chương trình?

Mô hình này được gọi là chương trình dịch tễ thực địa, đã được triển khai lần đầu tại Thái Lan từ những năm 1980 và sau đó là toàn bộ 10 nước Đông Nam Á.

Chương trình gồm các khóa tập huấn, đào tạo, thực tập linh hoạt về thời gian. Từ 2 - 4 tuần, 6 tháng hoặc 2 năm dành cho bác sĩ, chuyên viên dịch tễ tuyến cơ sở. Các hạt nhân của chương trình đào tạo là đội ngũ hàng ngàn "thám tử dịch bệnh" làm việc tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã.

Khóa học giúp họ phát hiện các dấu hiệu bất thường về dịch bệnh, kiểu như các ca nhiễm Covid-19, bệnh cúm gia cầm, Zika hay một loại bệnh tật khác. Chẳng hạn, khi nhiều trẻ em bị ngứa, nhiều người chết vì bệnh hô hấp, dù chưa biết chính xác đó là bệnh gì nhưng các "thám tử dịch bệnh" sẽ đi tìm hiểu.

Họ cũng sẽ không đơn độc mà có các phòng xét nghiệm hỗ trợ. Dĩ nhiên họ cần làm việc với các chuyên gia trong hệ thống ngành dọc thuộc bộ y tế để xác định liệu vấn đề bất thường mới xảy ra có phải một dịch bệnh có nguy cơ bùng phát hay không. Từ các phát hiện tại địa phương, cơ quan y tế có thể triển khai chiến lược giảm nhẹ để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra ở quy mô lớn.

Trong khuôn khổ ASEAN đã có mạng lưới đào tạo dịch tễ học thực địa ASEAN+3 (Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản). Do vậy, các mạng lưới có thể kết nối và học hỏi lẫn nhau.

Bác sĩ, Tiến sĩ MacArthur từng là Giám đốc Văn phòng hợp tác y tế Công cộng Mỹ-Thái Lan; Đại diện Quốc gia của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tại Thái Lan. Ông cũng từng phụ trách chương trình kiểm soát bệnh sốt rét của Tổng thống Mỹ trị giá 650 triệu USD ở châu Phi và Đông Nam Á.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-phong-cdc-dong-nam-a-covid-19-dua-ra-nhung-bai-hoc-cho-hien-tai-va-tuong-lai-156787.html