Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể Bộ Ngoại giao: 55 năm, một chặng đường vẻ vang

Năm 2019 là tròn 55 năm thành lập Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể Bộ Ngoại giao (1964-2019). Nhân sự kiện đặc biệt này, Báo Thế giới & Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Quang Trung, Vụ trưởng Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể về quá trình hình thành và phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh chung với tập thể Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ khi Bộ Ngoại giao được thành lập (28/8/1945), Lãnh đạo Bộ luôn coi trọng công tác Đảng-Đoàn thể. Từ lúc ban đầu chỉ có 20 cán bộ, đảng viên (năm 1945), đến nay với khoảng 2.000 cán bộ, đảng viên công tác ở trong nước và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ máy tham mưu giúp việc công tác Đảng - Đoàn thể Bộ Ngoại giao đã trải qua lịch sử hơn nửa thế kỷ.

Trên cơ sở Nghị định số 157/CP ngày 9/10/1961 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao, năm 1964, Bộ Ngoại giao thành lập Văn phòng Đảng ủy-Đoàn thể (VPĐU-ĐT). Hiện nay, VPĐU-ĐT gồm Văn phòng Đảng ủy Bộ, Văn phòng Công đoàn Bộ, Thường trực Đoàn Thanh niên Bộ và Thường trực Ban Chỉ huy quân sự Bộ. Định biên của đơn vị gồm 15 biên chế hành chính và khoảng 20 hợp đồng lao động công tác tại Nhà ăn và CLB Rèn luyện sức khỏe (Công đoàn Bộ).

Đảng bộ Bộ Ngoại giao

Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, từ một chi bộ thành lập ngày 3/2/1950, đến nay Đảng bộ Bộ Ngoại giao (ĐBBNG) đã trở thành đảng bộ cấp trên cơ sở với khoảng 1.800 đảng viên, 39 đảng bộ, chi bộ cơ sở và trực thuộc. Ngày 26/11/2019, Bộ Chính trị đã quyết định hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước với ĐBBNG, theo đó ĐBBNG mới sẽ quản lý gần 14 nghìn đảng viên trong và ngoài nước. Lịch sử ĐBBNG được chia ra ba giai đoạn chính:

1945-1954: Khi mới thành lập Bộ Ngoại giao, số đảng viên còn ít nên sinh hoạt chung với chi bộ Văn phòng Chủ tịch nước tại Chiến khu Việt Bắc. Ngày 3/2/1950, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ Đảng đầu tiên của Bộ được thành lập gồm 20 đảng viên. Chi ủy gồm ba đồng chí do đồng chí Nguyễn Duy Kinh làm Bí thư. Nhiệm vụ chủ yếu của chi bộ là làm công tác chính trị, tư tưởng và đảng vụ.

1954-1975: Năm 1955, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đại hội lần I thành lập ĐBBNG được tiến hành. Đảng bộ gồm bốn chi bộ với tổng số đảng viên 30/50 cán bộ nhân viên. Tổ chức công tác Đảng tại Bộ Ngoại giao có tổ đảng (cấp ủy) phụ trách tám chi bộ.

Ngày 10/3/1961, BCHTW Đảng ra Thông tri quy định biên chế cán bộ chuyên trách công tác Đảng, quy định: Trong các cơ quan có từ 300-500 cán bộ công nhân viên có một cán bộ chuyên trách công tác Đảng; cứ thêm từ 500-700 thì có thêm một người. Vào năm 1963, Bộ Ngoại giao có 868 cán bộ, nhân viên.

Sớm nhận thấy tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Đảng, năm 1964, Bộ Ngoại giao là Bộ đầu tiên trên cả nước thành lập VPĐU-ĐT. Việc thành lập đơn vị này đã giúp chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày của Đảng bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ và Ban Chỉ huy quân sự Bộ; tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ về công tác đảng, đoàn thể và công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đại diện cho tổ chức đảng, đoàn thể trong công tác xây dựng Ngành.

Giai đoạn 1955-1975, Đảng ủy Bộ tăng cường sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đảng gắn với xây dựng các đoàn thể và thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chủ trì họp Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 18, tháng 10/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau 1976 đến nay: Đảng bộ phát triển toàn diện trong công tác chính trị, giáo dục tư tưởng, xây dựng Đảng. Hoạt động của Đảng bộ gắn kết với nhiệm vụ chính trị đối ngoại; sự phối hợp giữa Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ được tăng cường; công tác đoàn thể, quần chúng được quan tâm hơn, đóng góp vào công tác đối ngoại và xây dựng ngành của BNG.

Tháng 5/2005, ĐBBNG được quyết định là Đảng bộ cấp trên cơ sở. Đến nay ĐBBNG đã trải qua 27 kỳ đại hội và tiến tới Đại hội lần thứ 28 vào năm 2020.

Với việc hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước nhằm “tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước”, công tác Đảng thời gian tới của ĐBBNG sẽ có thêm chức năng công tác đảng ngoài nước, vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn mà Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, ĐBBNG và từng tổ chức Đảng, đảng viên phải nỗ lực hoàn thành để đáp ứng kỳ vọng của Trung ương.

Từ khi thành lập đến nay, qua nhiều lần Đảng bộ được kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, đội ngũ đảng viên Bộ Ngoại giao luôn phấn đấu, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng của Bộ Ngoại giao.

Công đoàn Bộ Ngoại giao

Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình Trại hè “Con yêu Ngành Ngoại giao”, tháng 7/2019.

Thực hiện lời Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I, ngày 1/10/1950, Công đoàn Bộ Ngoại giao được thành lập tại An toàn khu Việt Bắc.

Khi mới thành lập, Công đoàn Bộ là công đoàn cơ sở gồm 50 đoàn viên. Tháng 7/2001, Công đoàn Bộ đã là công đoàn cấp trên cơ sở. Sau gần 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay Công đoàn Bộ có trên 4.000 đoàn viên thuộc 5 công đoàn cơ sở, 34 công đoàn trực thuộc trong nước và 18 tổ chức công đoàn tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Qua 69 năm với 28 lần đại hội, Công đoàn Bộ đã làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao. Công đoàn Bộ là công đoàn tiêu biểu trong việc thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện tại các tỉnh/thành, nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng…

Đoàn Thanh niên Bộ

Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, có chức năng tập hợp, rèn luyện, định hướng đoàn viên, thanh niên phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Thanh niên Bộ chú trọng công tác tư tưởng, động viên thanh niên làm tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Sau khi đất nước thống nhất, Đoàn Thanh niên Bộ được hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Năm 1992, Đoàn Thanh niên Bộ trở thành đoàn cơ sở trực thuộc Thành đoàn Hà Nội. Đến nay, Đoàn Thanh niên Bộ có 28 chi đoàn và đoàn cơ sở, với tổng số đoàn viên lên tới 616 người, chiếm 25% tổng số cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Ngoài ra, còn có hơn 2.000 đoàn viên là sinh viên Học viện Ngoại giao.

Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao tặng quà cho gia đình thuộc diện nghèo tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Ban Chỉ huy Quân sự Bộ

Những năm đầu 1960, Bộ Ngoại giao thành lập Trung đội Tự vệ và Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương chia làm hai mảng: công tác nghĩa vụ quân sự - dự bị động viên và công tác huấn luyện tự vệ.

Giai đoạn 1968-1972, để đáp ứng với nhiệm vụ mới kết hợp với lực lượng bảo vệ an toàn các địa điểm làm việc của Bộ Ngoại giao và trực chiến, Trung đội Tự vệ được chuyển thành Đại đội Tự vệ gồm bốn Trung đội cùng Ban Chỉ huy Đại đội Tự vệ. Từ 1973, Đảng ủy Bộ thành lập Ban Chỉ huy Quân sự Bộ do một đồng chí Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng, một đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy làm Chính trị viên và một cán bộ chuyên trách quân sự được biên chế tại VPĐU-ĐT.

Qua quá trình vừa công tác, lực lượng tự vệ Bộ Ngoại giao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng đánh giá là đơn vị có bề dày thành tích và luôn được biểu dương trong hội nghị tổng kết công tác quốc phòng các bộ, ngành Trung ương.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, VPĐU-ĐT Bộ Ngoại giao đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao ghi nhận thông qua nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các hình thức khen thưởng khác của Tổng Liên đoàn và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nguyễn Quang Trung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-phong-dang-uy-doan-the-bo-ngoai-giao-55-nam-mot-chang-duong-ve-vang-106415.html