Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND có tối đa 3 phó văn phòng
Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND có ba phòng gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và có thể lập thêm một phòng đặc thù.
Ngày 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu (ĐB) QH và HĐND cấp tỉnh.
Ba phòng “cứng”, một phòng “mềm”
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay dự thảo quy định việc thành lập văn phòng ĐBQH và HĐND trên cơ sở hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với 10 tỉnh, thành đã thực hiện thí điểm việc hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580/2018 của Ủy ban Thường vụ QH thì việc thành lập được thực hiện trên cơ sở tách văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.
Theo nghị quyết vừa được thông qua, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập văn phòng trên cơ sở đề nghị của thường trực HĐND cùng cấp sau khi thống nhất với trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH.
Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND là cơ quan tương đương cấp sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của thường trực HĐND, lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… “Văn phòng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hợp lý, đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, về số lượng lãnh đạo, văn phòng có chánh văn phòng và không quá ba phó chánh văn phòng.
Về số lượng phòng, văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND có ba phòng: Phòng Công tác QH, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH có thể quyết định thành lập thêm một phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
Giải trình về việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ban đầu dự thảo xây dựng văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh chỉ có ba phòng nhưng sau khi tổ chức hội nghị toàn quốc, nhiều ý kiến đề nghị cho thêm một phòng nữa.
“Tức là có ba phòng “cứng”, còn một phòng “mềm” do địa phương quyết định và nhiều địa phương đồng tình với ý kiến này. Chính phủ cũng đồng tình với quan điểm đó” - ông Phúc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra thống nhất việc văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có không quá bốn phòng. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lưu ý việc thành lập phòng “mềm” nên có tiêu chí theo quy định của trung ương về biên chế, nhiệm vụ, tránh lập một phòng chỉ có ba biên chế, trong đó có một trưởng, một phó.
Hoàn tất việc thành lập trước 30-6-2021
Về biên chế của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND sẽ nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định. Số lượng phó, trưởng phòng thuộc văn phòng được xác định theo số biên chế công chức của phòng đó nhưng không quá ba người.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng không cần lo lắng về số lượng cấp phó bởi đã có quy định “ràng buộc về biên chế và tỉnh loại I, II, III”.
Nghị quyết vừa được thông qua cũng có điều khoản chuyển tiếp quy định số lượng phó chánh văn phòng, phó trưởng phòng của văn phòng ĐBQH và HĐND cấp tỉnh sau khi được thành lập có thể cao hơn số lượng quy định tại nghị quyết này. Tuy nhiên, địa phương phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định, bảo đảm trong thời hạn ba năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, số lượng phó chánh văn phòng, phó trưởng phòng của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh theo đúng quy định tại nghị quyết này.
Nghị quyết vừa được thông qua có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức QH đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Với các địa phương không thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ QH, việc thành lập văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30-6-2021.
Làm ăn có lãi vẫn xin hỗ trợ
Nguồn thu ngân sách khó khăn nên chưa tính đến việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Chiều 18-9, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trình Ủy ban Thường vụ QH dự thảo nghị quyết của QH về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết năm 2020 là năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ủy ban nhận thấy việc trình QH ban hành chính sách này chưa có đầy đủ căn cứ. Lý do, các doanh nghiệp khó khăn đã được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp. Người dân gặp khó khăn do đại dịch đã được hỗ trợ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.
Chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, về đối tượng hỗ trợ đã trùng lặp với các chính sách trước đó.
Việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho cả ba nhóm đối tượng, theo Ủy ban Thẩm tra, như vậy là quá rộng, dàn trải.
Có ý kiến cho rằng trên thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch... là các đơn vị khai thác nguồn tài nguyên nước lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh vẫn có lãi do các đơn vị sản xuất điện (nhà máy thủy điện), cấp nước (nhà máy cấp nước) không do Nhà nước định giá hoặc quyết định giá bán. Trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước trong thời gian dịch bệnh không giảm nhiều và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.
Do vậy, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi.
Mặt khác, nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước là nguồn thu quan trọng, có liên quan đến công tác bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước, có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quan trọng của một số địa phương miền núi đang nhận trợ cấp của ngân sách trung ương... nên chưa hợp lý.
Trước báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ QH quyết định chưa nên trình nghị quyết này ra QH, để tính toán sau.
“Năm nay thu ngân sách nhà nước khó khăn, mà đây là nguồn thu ổn định của một số địa phương nên chưa tính đến việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.
Chấm dứt thực hiện thí điểm hợp nhất
Sau quá trình thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết số 580 của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã tổng kết và báo cáo trước QH tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV vừa qua.
Trên cơ sở đó, QH đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, trong đó có nội dung quy định: Chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580 và thành lập văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của đoàn ĐBQH và HĐND (hoàn thành trước ngày 1-7-2021).
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/van-phong-doan-dbqh-va-hdnd-co-toi-da-3-pho-van-phong-939263.html