Văn phòng SPS: Cảnh báo của EU với mì ăn liền Hảo Hảo và mì khô vị bò gà Thiên Hương là nghiêm trọng
Hai sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam và mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương vừa bị EU cảnh báo vì chứa chất cấm Ethylene Oxide.
Văn phòng Kiểm dịch động vật, thực vật Việt Nam- SPS (Bộ NN&PTNT) vừa nhận được cảnh báo của EU đối với sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo của Acecook và mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương. Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS, những cảnh báo này sẽ còn xảy ra nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Ông Nam cho hay, Văn phòng SPS là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi hiệp định của WTO về biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS).
Do vậy, theo quy định, khi tham gia WTO thì không chỉ EU mà cả các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc... cũng có thể có những cảnh báo gửi về Văn phòng SPS.
Những cảnh báo như trường hợp mì ăn liền Hảo Hảo hay mì khô vị bò gà của Thiên Hương hầu như năm nào văn phòng cũng nhận được. Hàng tháng có khoảng 100 thông báo và văn bản pháp lý có hiệu lực về các biện pháp SPS mà các thành viên WTO áp dụng.
Theo thống kê sơ bộ, một năm Văn phòng SPS nhận được khoảng 50 cảnh báo của EU và các nước liên quan đến các biện pháp SPS, có cảnh báo nghiêm trọng, có cảnh báo không nghiêm trọng.
“Rất tiếc, với hai sản phẩm mì tôm Hảo Hảo và mì khô vị bò gà thì EU cho rằng đó là cảnh báo nghiêm trọng”- ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, chức năng của Văn phòng SPS là phải minh bạch những điều đó để cơ quan quản lý, doanh nghiệp biết và kiểm tra lại quy trình có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Nam, với việc EU cảnh báo sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và mì khô vị bò gà của Thiên Hương thì các doanh nghiệp cần nghiêm túc xem xét lại thật kỹ quy trình sản xuất, chế biến ngay từ khâu nhập nguyên liệu.
Dây chuyền, máy móc sản xuất của doanh nghiệp có thể khép kín, hiện đại nhưng có thể do nguyên liệu đầu vào, vì vậy khi nhập khẩu nguyên liệu phải kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn.
Thị trường EU được coi là khu vực có tiêu chuẩn cao. Với những tiêu chuẩn này chúng ta hay coi đó là hàng rào kỹ thuật nhưng mục tiêu của không riêng EU mà ngay cả Việt Nam cũng có những tiêu chuẩn đặt ra với hàng nhập khẩu.
Ông Nam cho rằng, xu hướng thị trường đòi hỏi ngày càng cao, do vậy bản thân mỗi doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức từ quản lý doanh nghiệp đến người sản xuất.
Mỗi doanh nghiệp phải có một bộ phận kỹ thuật nghiên cứu những thay đổi, đòi hỏi của thị trường để đáp ứng yêu cầu của họ. “Chúng ta phải xác định bây giờ không phải thời, cứ có hàng là mang ra chợ bán nữa mà phải nghiên cứu, đáp ứng tốt những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.
Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã nhận được cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mỳ tôm chua cay nhãn hiệu “Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour”.
Nội dung cảnh báo như sau: Thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm tại các thị trường: Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Ireland, Đan Mạch và Thụy Sỹ do chứa trái phép chất 2-chlorethanol berechnet als ethylenoxid /// 2-chloroethanol calculated dưới dạng ethylene oxide.
Tương tự, Liên minh Châu Âu (EU) cũng cảnh báo đối với sản phẩm mỳ khô vị bò gà và đề nghị thu hồi sản phẩm tại thị trường Na Uy.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.