Vân Phong tạo động lực cho cả khu vực
Tận dụng nền kinh tế hội nhập, sự cạnh tranh giữa các nước khi có sự biến động để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư lớn vào Vân Phong
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương - đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị. Ông Trần Tuấn Anh đã đặt ra nhiều vấn đề cho tỉnh Khánh Hòa cùng các bộ, ngành nghiên cứu trong thời gian tới để KKT Vân Phong thực sự trở thành động lực mới cho sự phát triển của tỉnh này.
Phải thực hiện "4 tốt"
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để phát huy đúng tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong, nhất là khu vực Bắc Vân Phong, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong với định hướng phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh; phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển...
Hiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đã đạt 50% khối lượng phần thuyết minh tổng hợp; phần bản vẽ đã thực hiện khoảng 60% khối lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn (Công ty Tư vấn BCG và Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đang nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách và đang đề xuất khoảng 22 cơ chế, chính sách nhằm áp dụng cho KKT Vân Phong. Để tạo điều kiện cho KKT Vân Phong phát triển đúng định hướng, trở thành động lực mới cho Khánh Hòa và khu vực, góp phần tạo nên bản sắc để hướng đến đô thị trực thuộc trung ương vào năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa có 8 kiến nghị lên Ban Kinh tế trung ương. Trong đó, UBND đề nghị quan tâm việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong vào cuối năm 2021; hỗ trợ việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cũng như bổ sung xây dựng cơ sở hạ tầng cho KKT Vân Phong...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng dù tỉnh đã chuyển dịch cơ cấu đúng hướng khi dịch vụ - du lịch chiếm 52% nhưng cần định hướng đa dạng hóa ngành kinh tế, tăng khả năng chống chịu khi bị các tác động từ bên ngoài. Do đó, Khánh Hòa nên tận dụng nền kinh tế hội nhập, sự cạnh tranh giữa các nước khi có sự biến động để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư lớn vào Vân Phong. Muốn vậy, phải thực hiện "4 tốt", đó là: quy hoạch tốt, cơ sở tốt, chính sách tốt, nhân lực tốt.
Hình mẫu về phát triển kinh tế biển
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc quy hoạch KKT Vân Phong cần chú ý đến việc phát triển liên kết vùng, liên kết KKT Nam Phú Yên để phát triển khu vực trọng điểm kinh tế Nam Trung Bộ, tạo bệ đỡ xuất khẩu hàng hóa của Tây Nguyên. Tỉnh Khánh Hòa chọn được đơn vị tư vấn quốc tế có tiếng tăm để làm quy hoạch là điều rất tốt. KKT Vân Phong cần chú trọng vào thương mại tự do quốc tế gắn với cảng nước sâu, gắn với trung tâm mua sắm miễn thuế, tài chính, nghỉ dưỡng cao cấp; phía Nam KKT đẩy mạnh công nghiệp, năng lượng, năng lượng sạch, không nên đầu tư thêm đóng tàu... Để làm được điều này, Bộ Chính trị và Quốc hội phải có cơ chế đặc biệt cho Vân Phong.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng thực hiện kế hoạch trung hạn 2021-2025, sẽ có 2 dự án tuyến cao tốc qua khu vực Vân Phong, gồm tuyến Tuy Hòa - Vân Phong (51 km) và tuyến Vân Phong - Nha Trang (81 km). Ngoài ra, còn dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh phải định hướng đến năm 2050 đạt 36-40 triệu khách/năm. Về cảng biển, cả nước có 4 vị trí đắc địa làm cảng nước sâu thì Vân Phong là số 1, có thể cạnh tranh với Singapore, Hồng Kông. Do đó, trong quy hoạch, để trở thành cảng trung chuyển lớn, cảng Vân Phong phải kết hợp với quy hoạch KKT Vân Phong xây dựng kho cảng có sức chứa vài chục đến vài trăm triệu container.
Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Khánh Hòa cần xác định đây là KKT hiện đại, thông minh, đẳng cấp, bền vững và bao trùm; là nơi phát triển mạnh về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. KKT Vân Phong phải có tác động lan tỏa tích cực không chỉ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa mà còn cho cả các tỉnh khác trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, phải xác định KKT Vân Phong được xem là cửa ngõ giao lưu quốc tế, kết nối Tây Nguyên với biển, với vùng duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với các nước ASEAN qua hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời, cần xây dựng KKT Vân Phong trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ...
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng sau hơn 8 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị, đã đến lúc tỉnh Khánh Hòa cần đánh giá thấu đáo về những gì được và chưa được qua 10 năm phát triển kinh tế. Nhất là trong bối cảnh mới, cần đánh giá tình huống, cơ hội, thách thức đặc thù..., từ đó nghiên cứu, đề xuất có phương án mới, bảo đảm sự phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm sự chống chịu của nền kinh tế trước tác động từ bên ngoài.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/van-phong-tao-dong-luc-cho-ca-khu-vuc-20210512205630984.htm