Vẫn rụt rè khi làm phim về lịch sử
Đề tài lịch sử là 'vỉa quặng' đối với điện ảnh. Nhưng thực tế thì lượng phim thành công với đề tài này vẫn còn khiêm tốn. Đây là một trong những lý do khiến nhiều khán giả, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến phim lịch sử của nước ngoài. Trong khi đó, các nhà sản xuất lại tỏ ra rụt rè vì cho rằng sẽ là mạo hiểm khi đầu tư làm phim về mảng đề tài này.
Khai thác chưa tương xứng
Đầu năm 2024, bộ phim “Đào, Phở và Piano” đã thu hút lượng lớn khán giả đến rạp thưởng thức. Phim do đạo diễn - NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện, Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947 ở Hà Nội.
Nhìn lượng khán giả đến rạp và tốc độ chia sẻ về bộ phim trên mạng xã hội cho thấy khán giả vẫn rất quan tâm đến những bộ phim có đề tài lịch sử. Đây là một tín hiệu lạc quan về thể loại phim về lịch sử nếu được đầu tư tốt thì hoàn toàn có thể nghĩ đến hướng ra rạp và mang về doanh thu.
Trước đó, với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có những tác phẩm để lại ấn tượng với khán giả như: “Sao tháng Tám”; “Hà Nội mùa đông năm 46”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Những người viết huyền thoại”; “Mùi cỏ cháy”…
Đó là những bộ phim ít nhiều đạt được thành công khi khai thác về đề tài lịch sử. Song cũng có không ít bộ phim về đề tài này thất bại về doanh thu, nội dung phim vướng phải không ít chỉ trích của khán giả. Như bộ phim “Huyền sử vua Đinh”, dù được đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ thu về 42 triệu đồng sau 1 tuần ra rạp. Hay bộ phim “Quỳnh Hoa nhất dạ” về cuộc đời thái hậu Dương Vân Nga thời Đinh - Tiền Lê của đạo diễn Lý Minh Thắng, bị cộng đồng mạng phản ánh về những sai lệch trong tạo hình, phục trang của nhân vật.
Nhiều ý kiến cho rằng, chất liệu lịch sử để điện ảnh khai thác còn rất nhiều nhưng cách thức khai thác còn hàn lâm, mang tính chất tuyên truyền nên chưa thu hút được giới trẻ. Sử Việt rất hấp dẫn nhưng những bộ phim lịch sử thật sự chất lượng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt vẫn còn thưa thớt. Nhiều bộ phim lấy chủ đề về lịch sử nhưng thành công thì chưa nhiều.
PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận, điện ảnh Việt Nam còn thiếu những tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử. “Đó cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim của nước ngoài. Bởi thực tế, những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của họ” - ông Đông bày tỏ.
Còn theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, việc làm phim lịch sử ở nước ta còn gặp nhiều thách thức. Các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử, dẫn đến sự thiếu sáng tạo. Để có tác phẩm hay, các nhà làm phim cần sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình.
Ông Thiều cũng chỉ ra rằng người làm phim Việt có một “nỗi sợ mơ hồ” khi phải đưa ra chi tiết sáng tạo, hư cấu vào phim lấy đề tài lịch sử (bất kể thể loại dã sử, huyền sử hay chính sử). Nỗi sợ này đến từ những phản ứng tiêu cực của dư luận, mà những lùm xùm xung quanh phim “Đất rừng phương Nam” vừa qua là một ví dụ điển hình.
Cần thêm sự cởi mở
Thực tế, từ khi Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực, đã có nhiều điều kiện phát triển cho thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Cơ chế chính sách mới về điện ảnh đã đồng thời góp thần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim. Tạo điều kiện thuận lợi để nghành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Song theo các nhà làm phim, cần có thêm những chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Đơn cử như dự kiến tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với sản phẩm văn hóa, thể thao vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nếu được thông qua thì đây sẽ là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của điện ảnh. Bởi làm phim về đề tài lịch sử vốn dĩ đã khó khăn, tốn kém, làm sao để vừa thu hút công chúng, vừa phải đảm bảo tính lịch sử, tính sáng tạo. Khó nữa là thuyết phục các nhà đầu tư chịu “xuống vốn” làm phim…
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết, muốn làm một bộ phim về lịch sử tốt phải có chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn làm phim và tạo điều kiện để lập phim trường, kho đạo cụ về các giai đoạn lịch sử cho các nhà làm phim khai thác, tận dụng. Đồng quan điểm, nhà sản xuất phim Trinh Hoan - Giám đốc HK Film cho hay: Muốn làm phim lịch sử phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước phải có định hướng, tạo điều kiện cho các nhà làm phim lịch sử, nếu không sẽ rất khó để phát triển những bộ phim đề tài lịch sử.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng, đề tài về lịch sử là mảnh đất vô cùng giàu tiềm năng cho điện ảnh và cần có nhiều sự hỗ trợ và cởi mở hơn với các sáng tạo của người làm nghệ thuật. Mọi sự sáng tạo đều phải hướng tới sự nhân văn, vì con người.
Với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm nổi tiếng như: “Sao tháng Tám”; “Hà Nội mùa đông năm 46”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… Còn điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như: “Long Thành cầm giả ca”; “Những người viết huyền thoại”; “Mùi cỏ cháy”; “Đào, Phở và Piano”…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-rut-re-khi-lam-phim-ve-lich-su-10294354.html