Truyền thông quốc tế đã ghi nhận hoạt động tích cực của vận tải cơ An-124 Ukraine trong nhiệm vụ hỗ trợ cuộc điều quân lớn của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO sang Đông Âu.
Theo thông báo, các xe bọc thép của NATO đang được đưa từ Pháp tới Romania thông qua máy bay An-124 Ruslan của Hãng hàng không Antonov. Phương tiện tác chiến được nhận diện là xe tăng bánh lốp VBC-90.
Ngoài xe tăng bánh lốp đi theo đường hàng không, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Quân đội Mỹ cũng đang di chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ Romania về phía biên giới giáp với Moldova.
Đây được xem là động thái tăng cường sức mạnh quân sự của NATO tại sườn phía Đông, ngay sau khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa" quốc gia này.
Trước đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu - ông Josep Borrell tuyên bố sẽ gửi vũ khí sát thương trị giá khoảng 450 triệu Euro để trợ giúp Lực lượng vũ trang Ukraine. EU cũng phân bổ thêm 50 triệu Euro cho các hoạt động liên quan.
Việc NATO sử dụng vận tải cơ An-124 của Ukraine có lẽ nhằm gửi thông điệp tới Nga, đó là liên minh xem Kiev như một đối tác đặc biệt khi để nước này tham gia hoạt động điều quân nội bộ. Bên cạnh đó, chiếc Ruslan cũng là phương tiện thích hợp nhất vào thời điểm này.
Antonov An-124 Ruslan (NATO gọi bằng tên định danh Condor) từng là loại máy bay lớn nhất từng được sản xuất hàng loạt (trước khi chiếc Airbus A-380 và An-225 Mriya xuất hiện). Trong thời kỳ phát triển nó được gọi là An-400 và An-40 ở phương Tây.
An-124 cất cánh lần đầu năm 1982, Về hình dáng, nó tương tự loại C-5 Galaxy của Mỹ nhưng hơi lớn hơn, với khả năng chuyên chở nhiều loại hàng hóa quá cỡ đặc biệt. Hiện tại khoảng 40 chiếc Ruslan đang hoạt động chủ yếu trong đội bay của Nga và Ukraine.
Máy bay An-124 có thể hạ thấp độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất hàng, ngoài cửa mở ở đuôi thì nó còn mở được cả ở cabin phía trước để dễ dàng đưa hàng hóa có kích thước lớn vào trong khoang.
Mặc dù là sản phẩm xuất xứ từ Ukraine nhưng An-124 Ruslan vẫn được xem như biểu tượng của lực lượng vận tải chiến lược của Không quân Liên Xô trước kia cũng như Không quân Nga ngày nay.
Máy bay vận tải hạng nặng An-124 chở được 150 tấn hàng hóa, nó cũng có thể mang theo 88 người trong một khoang phía sau buồng lái, nhưng bởi khả năng điều áp tương đối hạn chế nên nó hiếm khi chở lính dù.
Thông số kỹ thuật cơ bản của vận tải cơ hạng siêu nặng An-124-100 Ruslan: chiều dài 68,96 m; sải cánh 73,3 m; chiều cao 20,78 m; trọng lượng cất cánh tối đa 405 tấn; kíp điều khiển 6 người.
Máy bay được trang bị 4 động cơ turbine phản lực Lotarev D-18 cung cấp lực đẩy 230 kN mỗi chiếc, cho tốc độ lớn nhất 865 km/h; tầm bay 5.400 km; trần bay 12.000 m; tải trọng hàng hóa tối đa 150 tấn.
Một điều cần nhấn mạnh nữa đó là sau khi chiếc An-225 Mriya bị phá hủy trong trận giao tranh tại sân bay Gosmotel nằm ở ngoại vi Kiev, An-124 Ruslan chính là vận tải cơ quân sự lớn nhất thế giới đang hoạt động vào thời điểm hiện nay.
Bạch Dương