Vận tải công cộng cần đồng bộ với nhà ga T3
Chuyến bay thương mại thử nghiệm đầu tiên của nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã thành công, mọi thứ đang hướng đến cho ngày vận hành chính thức. Nhà ga T3 khi đưa vào khai thác, với công suất lên đến 20 triệu lượt khách/năm sẽ giảm tải cho nhà ga T1, vốn quá tải trong nhiều năm qua.
Theo kế hoạch, từ ngày 5-5, tất cả chuyến bay nội địa của 2 hãng hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet sẽ chuyển sang khai thác tại nhà ga T3, dự kiến chiếm khoảng 80% lưu lượng khách ra vào sân bay.
Đây là 2 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam hiện nay, nên khi chuyển sang nhà ga T3 thì xem như việc hoạt động nội địa của sân bay Tân Sơn Nhất tập trung phần lớn tại đây, còn nhà ga T1 chỉ phục vụ các hãng có thị phần nhỏ là Vasco, Bamboo, Vietravel.
Về vận tải công cộng trong và ngoài sân bay phục vụ cho nhà ga T3, đơn vị khai thác cho biết, hiện tại chỉ có 2 tuyến xe buýt công cộng kết nối trực tiếp đến nhà ga T3 là tuyến 109 (Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến 72-1 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu). Cả hai tuyến đều còn khá mới mẻ, chưa phổ biến với người dân, tần suất còn hạn chế. Trong khi đó, những tuyến xe buýt hiện hữu đi và đến sân bay cho đến giờ này vẫn chưa có lịch để kết nối.
Ví dụ, tuyến xe buýt 152 khởi từ Khu dân cư Trung Sơn, đi xuyên qua nội đô, quận 1, 3… đến sân bay Tân Sơn Nhất lại không được kết nối với nhà ga T3. Điều này khiến nhiều hành khách đặt câu hỏi: Tại sao không đưa nhiều tuyến xe buýt vào thẳng nhà ga T3 để hành khách đi sân bay có nhiều lựa chọn? Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết đang theo dõi tình hình lượng khách ra vào nhà ga T3 để có phương án điều chỉnh phù hợp, nhưng khó khăn hiện nay là vị trí bố trí điểm dừng đón/trả xe buýt tại nhà ga T3 còn hạn chế.
Đó là xe buýt kết nối vào sân bay. Còn việc di chuyển qua lại giữa các nhà ga trong sân bay như thế nào? Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kết nối giữa các nhà ga T1 - T2 - T3 bằng xe trung chuyển (shuttle bus) với tần suất khoảng 20 phút/chuyến. Điều này là trái ngược với các sân bay lớn của thế giới. Tại các sân bay lớn đều có bố trí phương tiện công cộng vận chuyển liên tục giữa các nhà ga với nhau để phục vụ hành khách, chẳng hạn như tàu điện, không để hành khách chờ đợi lâu.
Chúng ta đầu tư số tiền khổng lồ 11.000 tỷ đồng để làm nhà ga T3, đây là biểu tượng của sự hiện đại, bước chuyển mình lớn trong phát triển giao thông. Tuy nhiên, nếu không có một mạng lưới vận tải công cộng kết nối linh hoạt, hiệu quả, thì nhà ga mới sẽ không thể phát huy hết vai trò và tiện ích.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-tai-cong-cong-can-dong-bo-voi-nha-ga-t3-post791206.html