Vận tải đường sông 'hồi sinh' ở Thủ đô nước Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, hình thức vận chuyển đường sông mới bằng tàu thủy chạy điện tại thủ đô của nước Nga đã đạt tới cột mốc 1 triệu chuyến kể từ khi ra mắt hơn một năm trước.
Phó Thị trưởng thủ đô Moskva phụ trách giao thông, ông Maksim Liksutov, cho biết chính quyền thành phố cũng khá bất ngờ khi các tuyến đường sông trở nên phổ biến với người dân Moskva và du khách đến thành phố. Đến cuối năm 2024, thành phố dự kiến sẽ có 1,5 triệu chuyến vận chuyển và sẽ tiếp tục phát triển giao thông đường thủy theo chỉ thị của Thị trưởng Moskva, Sergey Sobyanin.
Từ 100 năm trước, tàu thủy đã là phương tiện giao thông quen thuộc của thủ đô Moskva, giai đoạn thịnh hành nhất là từ năm 1937-1941, có khi vận chuyển tới 5 triệu người trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, vào những năm 1990, các tuyến vận tải đường sông thường xuyên ở Moskva giảm sút dần. Đến năm 2018, chính quyền thủ đô Moskva đã tiến hành phân tích sâu rộng, xác định một số tuyến vận tải đường sông thường xuyên trong tương lai và chọn ra 2 tuyến có nhu cầu cao nhất hiện nay.
Tuyến đầu tiên, khai trương tháng 6/2023, kết nối nhà ga xe lửa Kiev với bến tàu “Trái tim Thủ đô” nằm cạnh khu dân cư phức hợp cùng tên trên bờ kè Shelepikhinskaya. Tháng 6/2024, tuyến này được mở rộng, kết nối thêm với các bến “Park Fili” và “Beregovoy”, qua đó chiều dài của tuyến tăng từ 7 lên 12 km và thời gian lưu thông của tàu thủy giảm từ 20 xuống 10 phút.
Tháng 9/2023, tuyến đường sông thường xuyên thứ hai ZIL - Pechatniki dài 9 km được khai trương gồm 6 bến. Hiện tổng chiều dài các tuyến là hơn 20 km, tổng cộng 14 bến với 21 tàu thủy điện hoạt động trên 2 tuyến. Phó Thị trưởng Liksutov cho biết nhờ tàu thủy điện, 1,5 triệu người dân đã có được phương tiện giao thông công cộng thuận tiện với giá phải chăng gần nhà họ.
Đến năm 2030, số tuyến dự kiến sẽ tăng lên 7. Chính quyền thủ đô Moskva có kế hoạch tăng số tàu thủy điện lên 60 chiếc với 67 bến đỗ. Dự kiến mỗi ngày khoảng 24.000 hành khách sẽ sử dụng hình thực vận tải đường sông thường xuyên này.
Ở Moskva, các cầu tàu nổi được thiết kế với hai loại có đường kính 10m và 16m. Ở khu vực hành khách, chúng có thể chứa đồng thời từ 40-80 người. Cầu tàu cho phép 2 tàu thủy điện cập đồng thời. Khi phát triển các cầu tàu, một giải pháp độc đáo đã được áp dụng, đảm bảo sạc tàu điện trong quá trình hành khách lên, xuống tàu. Giải pháp này chưa từng có trên thế giới.
Để thuận tiện cho hành khách, tại bến tàu bố trí khu vực chờ thoải mái với ghế sofa, có phòng nghỉ phù hợp cho bà mẹ có con nhỏ và người khuyết tật. Việc lên tàu được thực hiện thông qua các cửa quay phù hợp với hành khách khiếm thị và khuyết tật – với nền màu sáng và phông chữ lớn trên màn hình.
Mỗi tàu thủy điện có sức chứa tối đa 50 người, có chỗ dành cho người khuyết tật. Các tàu được trang bị màn hình đa phương tiện, khe cắm USB, chỗ để xe đạp và xe máy tay ga cũng như điểm uống nước mát. Ba màn hình media lớn trong cabin hiển thị nội dung hữu ích và thông báo cho hành khách về lộ trình. Cửa sổ lớn toàn cảnh và mái kính trong khoang hành khách cho phép ngắm cảnh đẹp hai bên bờ. Tàu thủy điện hoàn toàn thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm hệ sinh thái không khí và sông ngòi - chúng không thải khí độc hại.
Tất cả các tàu đều thuộc lớp Ice 20 có thể di chuyển độc lập trong lớp băng vỡ nhỏ dày 20cm. Phương tiện giao thông này được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống bán vé tiện dụng của Moskva. Hành khách có thể mua vé bằng vé Wallet trên thẻ Troika, thẻ ngân hàng hoặc bằng sinh trắc học, thẻ Troika ảo và qua hệ thống thanh toán nhanh (SBP).