Vận tải đường thủy nội địa sôi động trở lại

Cảng Đa Phúc, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) là cảng đường thủy nội địa của tỉnh, mỗi năm bốc, xếp khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa các loại. Sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay hoạt động luân chuyển hàng hóa tại khu vực này đã phục hồi trở lại, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Bốc, xếp hàng tại Bến cảng của Công ty TNHH Thắng Lá.

Bốc, xếp hàng tại Bến cảng của Công ty TNHH Thắng Lá.

Có mặt tại Bến Thắng Lá, trước mắt chúng tôi là một hàng dài xe vận tải lớn, nhỏ xếp thứ tự nối đuôi nhau vào bốc dỡ hàng hóa. Dưới bến, những chiếc cẩu, máy xúc đang vươn mình “ngoạm” hàng rồi bốc, xếp xuống tàu để chở đi. Bến Thắng Lá là một trong những bến bãi rộng, thuận lợi cho các tàu thuyền neo đậu lên xuống hàng hóa, có năng lực vận tải mạnh, năng lực bốc dỡ đứng đầu khu vực cảng Đa Phúc. Bà Phạm Thị Lá, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lá cho biết: Bến của chúng tôi có năng lực bốc xếp hàng hóa từ 50-60 tấn/tháng nhưng trong quý I đã giảm 30-40% so với cùng kỳ, thậm chí riêng trong tháng 3 cũng chỉ bốc xếp được chưa tới 10.000 tấn hàng. Doanh thu giảm, trong khi mỗi tháng chúng tôi phải trả trên 200 triệu đồng tiền lương cho khoảng hơn 40 lao động đang làm việc tại đây. Từ sau khi cả nước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội thì hoạt động vận tải đường thủy nội địa mới khởi sắc trở lại. Nửa tháng trở lại đây, mỗi ngày tại bến cũng đã có khoảng 1.000 tấn hàng hóa được bốc, xếp, góp phần tạo việc làm cho người lao động.

Tại các bến Vượng Hương, Dung Quang, Đa Phúc, Thái Hà... cũng vậy, thời điểm này xe vận tải vào ra nườm nượp chuyển hàng hai chiều lên xuống đi tiêu thụ. Hàng hóa chính được bốc, xếp ở đây thường là hàng hai chiều, chiều xuống chủ yếu là than, clanhke, quặng sắt, xi măng và chiều lên là vật liệu xây dựng, bột giấy, phôi thép nhập khẩu từ nước ngoài về, hàng nông sản phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi... Theo các chủ cơ sở bốc, xếp tại đây, do tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn dịch, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề... khiến lưu lượng hàng hóa thông qua cảng Đa Phúc giảm 70% so với cùng kỳ. Thời điểm này, mật độ luân chuyển hàng hóa qua bến cảng tăng 3-4 lần so với những tháng trước nhưng cũng chỉ bằng 50-60% so với cùng kỳ. Việc làm giảm và vẫn phải trả lương, chi phí, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí là gánh nặng lớn với các chủ doanh nghiệp. Họ mong muốn được các cấp, ngành, đơn vị chia sẻ khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, trong đó có thể tính đến việc giãn, giảm nộp thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng.

Khu vực cảng Đa Phúc đang được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Cảng đường sông này gắn kết với các cảng đường thủy nội địa khác, tạo ra một hệ thống liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Những năm gần đây, loại hình vận tải đường thủy nội địa này có nhiều ưu điểm, trước hết là cho phép vận chuyển hàng hóa với khối lượng, tải trọng, kích thước lớn, bên cạnh đó có lợi thế cạnh tranh do tiết kiệm nhiên liệu, chi phí, cước phí thấp. Do vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức vận tải này, nhất là các ngành nghề liên quan đến công nghiệp, vật liệu xây dựng… Anh Nguyễn Ngọc Nam, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ Thái Nguyên thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II cho biết: Cảng Đa Phúc hiện có 13 bến bãi bốc xếp hàng hóa đang hoạt động. Các điểm bốc xếp hàng hóa hoạt động trong Cảng thời gian qua đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Để hoạt động vận tải thủy nội địa khởi sắc hơn, chúng tôi mong muốn tỉnh có sự quan tâm đầu tư quy hoạch và phát triển hạ tầng Cảng Đa Phúc tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thi-truong/van-tai-duong-thuy-noi-dia-soi-dong-tro-lai-271025-105.html