Vận tải hành khách Bình Thuận: Người dân e dè, chủ xe phấp phỏng

Hôm nay (20/10) là ngày kết thúc thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định Bình Thuận – TP.HCM. Sau 4 ngày chạy thử, hầu như người dân vẫn còn e dè trong việc đi đến TP.HCM. Còn với chủ xe, tuy muốn mở rộng hơn để hoạt động trở lại nhưng vẫn còn phấp phỏng lo lắng.

4 ngày chỉ có 200 người đi và về

Bến xe Bắc Phan Thiết là một trong hai bến xe phục vụ khách tuyến cố định Bình Thuận – TP.HCM với mỗi ngày 2 chuyến đi và về. Đối với tài xế, nhân viên phục vụ trên xe phải có đủ các giấy tờ theo quy định như: Thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Còn hành khách trước khi lên xe cũng phải có đầy đủ các giấy tờ trên.

Bến xe Bắc Phan Thiết đang hoạt động thí điểm mỗi ngày 2 chuyến vào TP HCM.

Bến xe Bắc Phan Thiết đang hoạt động thí điểm mỗi ngày 2 chuyến vào TP HCM.

Ông Đặng Văn Phi, Phó Ban Quản lý Bến xe Bắc Phan Thiết cho biết, người dân vẫn còn e dè khi vào TP.HCM, nên lượng hành khách rất ít: "Lượng khách từ Bình Thuận vô Sài Gòn rất ít, dưới 30%. Lượng khách từ Sài Gòn về Phan Thiết thì đông hơn. Còn công tác phòng chống dịch lúc nào bến xe cũng phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo đúng theo quy định của cấp trên".

Theo Sở GTVT Bình Thuận, trong 4 ngày qua, lượng khách đi và về tuyến Bình Thuận- TP.HCM chưa tới 200 người.

Vừa mong được chạy xe vừa lo dịch

Hiện Sở đang xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quyết định số 1812 ngày 16/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thay thế các quyết định trước đây.

Bến xe vắng không một bóng người.

Bến xe vắng không một bóng người.

Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở GTVT sẽ triển khai thực hiện. Đối với vận tải hàng hóa, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt. Đến nay, đã cấp mã QR cho 5.771 phương tiện vận tải hàng hóa.

Còn đối với vận tải hành khách, theo ông Dương Đức Ý– Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp cũng vừa mong việc vận tải hành khách sớm nới lỏng và hoạt động trở lại vừa lo ngại dịch bệnh khi người lao động chưa tiêm đủ liều vaccine.

Lâu lâu mới có người khách tới hỏi mua vé vào Sài Gòn.

Lâu lâu mới có người khách tới hỏi mua vé vào Sài Gòn.

"Tài xế không cũng mới tiêm mũi 1 khoảng 70 – 75%, còn 25% chưa được tiêm mũi 1. Còn người phục vụ trên xe chưa được tiêm mũi nào. Người phục vụ trên xe cũng tương đương và nhiều hơn tài xế nữa. Đó là những ách tắc mà bản thân doanh nghiệp, người lao động không tự giải quyết được", ông Ý cho biết.

Thời gian qua, vận tải hành khách dừng hoạt động, nhiều chủ xe gặp khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách trong điều kiện bình thường mới, nhiều chủ xe mong muốn lao động trên xe được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, với quy định xe khách chỉ được vận chuyển khách 50% số ghế, nhà xe cũng mong được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn./.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/van-tai-hanh-khach-binh-thuan-nguoi-dan-e-de-chu-xe-phap-phong-899314.vov