Vận tải hành khách công cộng: Bảo đảm đưa đón người dân an toàn, thuận tiện
Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ, các đơn vị vận tải đã bố trí phương tiện, tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu cho người dân, công nhân lao động về quê đón tết và trở lại Bình Dương làm việc an toàn, thuận tiện.
Dịp tết dù lượng hành khách tăng cao, nhưng nhờ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ, các đơn vị vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu
Giá vé tuyến cố định tăng
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết để thực hiện việc bán vé đúng giá quy định, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện niêm yết và kê khai giá cước vận tải tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh từ ngày 26-1-2023 đến 28-1-2023. Kết quả kiểm tra, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc niêm yết giá cước vận tải và giá dịch vụ. Bên cạnh đó, Sở Giao thông - Vận tải đã đề nghị Công ty Cổ phần Phương Trang - đang khai thác tuyến cố định từ bến xe Bình Dương đi bến xe Đồng Tâm (tỉnh Cà Mau) giải trình việc không kê khai mệnh giá 185.000 đồng/hành khách/ lượt nhưng đã xuất vé bán cho hành khách.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, mức tăng giá cước vận tải các tuyến khách cố định từ 20- 60%. Cụ thể, những tuyến đi các tỉnh miền Trung giá vé tăng 20%- 60% , các tuyến đi các tỉnh miền Tây giá vé tăng bình quân đến 40% so với ngày thường. Riêng giá vé các tuyến xe buýt cước taxi không điều chỉnh tăng trong dịp tết.
Trong dịp trước, trong và sau tết, các bến xe khách và các đơn vị vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá vé theo quy định; thực hiện trung chuyển hành khách từ các điểm bán vé của doanh nghiệp về bến xe nhằm giảm cự ly đi lại của người dân. Đồng thời cấp phù hiệu xe tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách theo đề nghị của bến xe và đơn vị vận tải nhanh chóng, kịp thời.
“Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế nên phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch cho người lao động nghỉ từ Tết Dương lịch 2023, theo báo cáo của các bến xe, lượng hành khách trên các tuyến cố định đi miền Bắc giảm khoảng 70% và các tuyến đi miền Tây giảm khoảng 50% so với trước khi dịch bệnh xảy ra vào năm 2020”, ông Nguyễn Chí Hiếu nói.
Cơ hội phục hồi
Theo Sở Giao thông - Vận tải, kết quả vận chuyển hành khách tuyến cố định từ ngày 13-1 đến 18-1 có 1.830 chuyến xuất bến, vận chuyển được 38.725 hành khách, đạt bình quân 248,2% so với cùng kỳ năm 2022. Vận chuyển hành khách bằng xe buýt thực hiện được 3.395 chuyến, đạt bình quân 369% so với cùng kỳ năm 2022, vận chuyển được 17.508 hành khách. Điều này phản ánh sự phục hồi nhanh của ngành vận tải hành khách công cộng. Riêng trong những ngày đón công nhân, người lao động trở lại Bình Dương làm việc sau dịp tết từ 19-1 đến 26-1 đã có 1.559 chuyến, vận chuyển được 22.788 hành khách. Vận chuyển bằng xe buýt 2.346 chuyến với 10.571 hành khách.
Qua đường dây nóng, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương không nhận được phản ánh nào của người dân về việc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thu tiền vé cao hơn giá vé niêm yết. Từ ngày mùng 5 tết trở đi nhu cầu đi lại của hành khách bắt đầu tăng dần. Các đơn vị vận tải đã tăng chuyến để đón công nhân lao động trở lại Bình Dương làm việc. Các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển hành khách đi và về, giải tỏa khi có lượng hành khách tăng và chủ động với các đơn vị xe buýt để vận chuyển hành khách đi các hướng tuyến thuận tiện. Các đơn vị kinh doanh vận tải vận chuyển khách trên các tuyến cố định không bỏ tài, bỏ tuyến, các bến xe khách đã huy động, liên kết thêm các xe tăng cường phục vụ tốt hành khách trên các tuyến miền Bắc, miền Trung, miền Tây.
Ông Nguyễn Chí Hiếu cho biết thêm, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được đặc biệt coi trọng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông. Tất cả các công trình giao thông đều bảo đảm tốt công tác dọn vệ sinh sạch sẽ, không để vật liệu cản trở, bảo đảm tốt việc đi lại của người dân. Tại các bến xe khách không có hiện tượng tranh giành khách, các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn cho hành khách, trật tự an toàn giao thông đường thủy được bảo đảm.
Ưu tiên xe buýt công nghệ, thân thiện môi trường
Thực hiện “Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025”, phấn đấu đạt tiêu chí đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời để Bình Dương đạt được tiêu chí đô thị loại I, việc xây dựng và triển khai đề án cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vận tải và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, để người dân có thói quen chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo ra hình ảnh mới về xe buýt và thu hút người dân tham gia, tỉnh đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp xe buýt chuyển đổi, đầu tư mới phương tiện hiện đại. Hiện Bình Dương có 3 đơn vị vận hành khai thác xe buýt công nghệ thân thiện môi trường (CNG) gồm buýt Kaze của Becamex Tokyu, Phúc Gia Khang và Phương Trinh. Các doanh nghiệp đều được hưởng những chính sách khuyến khích như nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Trong năm 2023, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang xem xét để đẩy nhanh tiến độ tài trợ vốn vay để Bình Dương phát triển thêm tuyến buýt nhanh BRT, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là tạo ra hệ sinh thái giao thông thông minh trong tương lai.