Vận tải phục vụ Tết: Tăng chuyến, tăng cả giá vé

Chỉ còn ít ngày nữa là tới kỳ nghỉ Tết Dương lịch và hơn một tháng nữa tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Tại thời điểm này, thị trường vận tải trên cả 3 lĩnh vực: Hàng không, đường sắt, đường bộ đều đang 'nóng' dần. Trong khi các doanh nghiệp vận tải liên tục xin tăng chuyến để phục vụ cao điểm Tết thì nhiều người dân vẫn đang đắn đo lựa chọn, vì chọn phương tiện nào thì giá vé ngày Tết đều… không rẻ.

Mọi phương tiện đã sẵn sàng

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), tính đến ngày 6/12, ngành Đường sắt đã bán được hơn 137.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, vé tàu đã bán bằng 28% về sản lượng khách, bằng 45% doanh thu so với Tết 2024. Số lượng vé mua online chiếm 58% số lượng vé bán.

So sánh tốc độ bán vé (63 ngày mở bán vé) sản lượng vé bán bằng 123% và doanh thu bằng 124% so với 63 ngày mở bán vé Tết Nguyên đán 2024. Đến nay, số lượng vé trước Tết, từ ngày 21/1 trở về trước và ngày 27-28/1/2025 (tức ngày 22 tháng Chạp trở về trước và ngày 28-29) còn vé đi tất cả các ga. Các ngày từ 22-26/1/2025 (tức ngày 23-27 tháng Chạp) còn nhiều vé đến ga Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa).

Đi lại vào dịp Tết, khách đi tàu có thể phải trả tới 6.400.000đ/vé/chiều.

Đi lại vào dịp Tết, khách đi tàu có thể phải trả tới 6.400.000đ/vé/chiều.

Sau Tết, từ ngày 29/1-16/2/205 (ngày mùng 1 đến 19 tháng Giêng) còn nhiều vé đi tất cả các ngày, các ga. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Ất Tỵ 2025, ngành Đường sắt tổ chức chạy thêm 11 chuyến tàu từ TP Hồ Chí Minh đến Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại, cung cấp thêm 5.000 chỗ.

Với hàng không, vào giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ, trong ngày nghỉ chính thức đầu tiên (25/1/2025 tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP Hồ Chí Minh đến các địa phương đa phần đã đạt mức trên 50%.

Các ngày 24/1/2025 (ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn) và 26/1/2025 (ngày 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tức một ngày trước và sau ngày nghỉ đầu tiên, tỷ lệ đặt chỗ cũng đã thể hiện xu hướng tương đồng với các chặng hiện đang có tỷ lệ đặt chỗ cao dao động trong khoảng 93-100%, như: TP Hồ Chí Minh-Huế, TP Hồ Chí Minh Pleiku, TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh - Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh - Chu Lai.

Chiều ngược lại có tỷ lệ đặt chỗ thấp, phần lớn dưới 20%. Vào cuối kỳ nghỉ lễ, đặc biệt với ngày kết thúc kỳ nghỉ (2/2/2025), tỷ lệ đặt chỗ đã thể hiện mức tăng cao rõ rệt trên các đường bay từ địa phương đi TP Hồ Chí Minh, trung bình cũng đã đạt khoảng 75%.

Dù các hãng bay cung ứng 7 triệu vé, song thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy giá vé máy bay dịp sát Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong khi đó, ghi nhận trên nhiều chặng bay cho thấy giá vé máy bay dịp Tết tăng gấp đôi so với ngày thường.

Giá vé đi lại dịp Tết khiến người dân đắn đo

Chiều 6/12, Công ty Cổ phần Đường sắt cho biết, giá vé tàu đi lại dịp Tết…không rẻ. Đơn cử như với tàu SE10 chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội xuất phát ngày 15/1/2025, giá vé ghế ngồi mềm thấp nhất 1.522.000đ/chiều; vé giường nằm khoang 6 có giá thấp nhất từ 1.936.000đ- 2.205.000đ/chiều. Tuy nhiên, càng sát Tết giá vé càng tăng. Như tàu SE1 đi từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh ngày 16/1/2025, giá vé ngồi mềm là 1.892.000đ/chiều; giường nằm có giá từ 2.108.000đ-2.515.000đ/chiều. Sang đến ngày 22/1/2025, tàu SE2 chạy TP Hồ Chí Minh - Hà Nội ngày 22/1/2025, giá vé ngồi mềm đã lên tới 2.602.000đ/chiều; giá vé giường nằm từ 3.009.000đ -3.199.000đ/chiều. Thậm chí cũng trên chuyến tàu SE2 ngày, giá giường nằm khoang 2 giường VIP đã lên tới 6.400.000đ/vé/chiều.

Trong khi giá vé tàu tăng, giá vé máy bay cũng không khả quan hơn. Khảo sát về giá vé cho hạng phổ thông ngày 21/1/2025 (ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn-giai đoạn trước nghỉ lễ) của các hãng hàng không Việt Nam cho chặng bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội, là đường bay trục có tần suất khai thác nhiều nhất và cũng luôn là đường bay có số lượng hành khách di chuyển lớn nhất, Vietnam Airlines cung ứng vé khoảng 3,7 triệu đồng/chiều; Vietjet Air có mức giá dao động khoảng 2,9-3 triệu đồng/chiều; Bamboo Airways có mức giá khoảng 3,7 triệu đồng/chiều; Vietravel Airlines khoảng 2,9 triệu đồng/chiều. Đối với đường bay TP Hồ Chí Minh-Huế và đường bay TP Hồ Chí Minh-Quy Nhơn trong ngày này cũng có giá vé ở mức 2,37 triệu đồng/chiều của hãng hàng không Vietnam Airlines và 2,4 triệu đồng/chiều đối với hãng hàng không Vietjet Air.

Các chặng bay cận kề ngày khởi hành 25/1/2025 (ngày bắt đầu kỳ nghỉ lễ), giá vé có sự tăng giảm khác nhau giữa các hãng như đường bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways cung ứng vé duy trì trong khoảng 3,6 triệu đồng/chiều; Vietjet Air có mức giá khoảng 3,6 triệu đồng/chiều, tăng 20% so với thời điểm trước ngày nghỉ lễ; Vietravel Airlines bán giá vé khoảng 3,4 triệu đồng/chiều, tăng 17% so với thời điểm trước ngày nghỉ lễ. Trên một số đường bay nội địa khác, giá vé được các hãng hàng không Việt Nam công bố cũng ghi nhận mức tăng nhẹ so với thời điểm trước ngày nghỉ lễ.

Anh Thanh Phương sống ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Tôi vào Nam sống nhiều năm, năm nào cũng cố gắng đưa cả nhà ra Bắc ăn Tết, thế nhưng vấn đề giá vé luôn khiến cả nhà tôi đau đầu. Giá vé dù tàu hỏa hay máy bay, cứ năm sau lại tăng hơn một chút so với năm trước, trong khi thu nhập của cả hai vợ chồng lại không tăng. Nên với mức giá như trên, dù mua vé tàu hay máy bay cho cả 4 người khứ hồi thì cũng phải lên tới hơn chục triệu, chúng tôi đều phải đắn đo. Trong trường hợp vẫn muốn về Hà Nội ăn Tết có lẽ phải tính đến phương án đi xe khách giường nằm cho tiết kiệm chi phí".

Không riêng gia đình anh Phương, nhiều người lao động khác cũng đành từ bỏ kế hoạch về quê vì giá vé quá cao. Anh Phạm Quân, một lao động từ Hà Nam vào TP Hồ Chí Minh sống, thất nghiệp đã hai năm nay, cho biết năm này dù có nhớ nhà, nhớ bố mẹ song vợ chồng anh quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh ăn Tết vì vợ anh không đi được ôtô, trong khi chi phí vé tàu hay máy bay đều cao. "Chúng tôi đành chịu, vì số tiền đó là khoản chi vượt khả năng tài chính hiện tại", anh Quân nói.

Nghiêm cấm các nhà xe bỏ chuyến để đưa phương tiện vận chuyển khách hợp đồng

Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025. Theo đó, Sở GTVT đề nghị các bến xe phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh triển khai sớm các hình thức bán vé đến tận tay hành khách; chủ động ký hợp đồng với các trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ quan, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang,... có nhu cầu vận chuyển khách đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, có phương án dự phòng các xe trên các tuyến để kịp thời giải tỏa khách tăng đột biến tại bến xe, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát các xe ra vào bến đăng ký đón trả khách. Cùng đó, kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái, hàng hóa, hành lý theo quy định. Phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn cho phương tiện và người lái trước khi xe xuất bến. Ngoài ra, nghiêm cấm các doanh nghiệp bỏ chuyến để đưa phương tiện vận chuyển khách hợp đồng, các đơn vị vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định có nhu cầu bổ sung xe tăng cường đề nghị đăng ký với các bến để tổng hợp báo cáo Sở GTVT.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/van-tai-phuc-vu-tet-tang-chuyen-tang-ca-gia-ve-i752583/