Vân Tường - Nét son bên dòng Vĩnh Định

Nằm kín đáo nép mình sau những cánh đồng lúa vàng rộm chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu, làng Vân Tường với những kiến trúc tâm linh cổ kính trầm mặc - chứng nhân cho bao dấu ấn lịch sử, văn hóa mà người dân Vân Tường đã tạo dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau được chiêm bái. Với bàn tay tảo tần của bao thế hệ, qua hàng trăm năm chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã hoành hành, làng Vân Tường ngày càng trở nên hưng thịnh và phát triển.

 Đình làng Vân Tường. Ảnh: VIỆT HÀ

Đình làng Vân Tường. Ảnh: VIỆT HÀ

Vân Tường là một trong sáu thôn của xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, hướng Đông giáp với làng Long Quang, hướng Tây Nam và Bắc có dòng sông Vĩnh Định xanh trong thơ mộng ôm ấp, tưới tắm cho ruộng đồng. Sông Vĩnh Định là lá phổi điều hòa không khí, làm dịu đi cái oi ả kèm bỏng rát của ngọn gió Lào trong mùa nam nắng.

Các cổ sử của những triều đại phong kiến và tài liệu sau này cho chúng ta biết được Vân Tường là một trong những làng được thành lập khá sớm của tỉnh Quảng Trị. Qua những biến cố của lịch sử, làng đã có sự thay đổi hương hiệu, tách nhập vào đơn vị hành chính khác nhau. Ngôi đình làng không gác cao dãy dài nhưng vẫn toát lên vẻ bề thế và trang nghiêm, mang đậm hồn cốt của văn hóa làng quê Việt, thể hiện sự trọng vọng cung kính tiền nhân của hậu thế. Phía trước mặt ngôi đình làng đang tọa lạc hiện nay là một bến sông, tấp nập thuyền ghe theo dòng sông đào Vĩnh Định đưa các mặt hàng đi muôn nơi. Chính nơi cánh đồng rộng lớn cạnh đình làng tương truyền là một ngôi chợ đình sầm uất, đông đúc kẻ bán người mua.

Theo lời cụ Lê Như Khâm, một bậc cao niên thôn Vân Tường thì sau này tuy chợ không còn nhưng người dân Vân Tường đã tu bổ để xây dựng đình làng rất đỗi uy nghi thuộc dạng lớn trong vùng, tuy nhiên qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đạn bom đã nhiều lần tàn phá nên dấu tích xưa không còn nhiều.

Nằm cách đó không xa là vùng Giàng, theo lời kể của các bậc trưởng thượng trong làng, đây là vùng đất linh thiêng của người Chăm cổ, sau khi họ rút vào phía Nam thì người dân Đại Việt đến tiếp nhận. Đến thời các bậc tiền nhân khai khẩn ra làng Vân Tường đã tiếp tục khai hoang trồng trọt và chọn nơi cao nhất của vùng càng này để xây dựng miếu Thần Hoàng, miếu thờ Thần Nông. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng rằng vào những năm lụt to, trong vùng đều bị ngập, vùng Giàng này tuy địa hình thấp nhưng nước không bao giờ lên tới.

 Sông Vĩnh Địnhđoạn chảy qua Vân Tường. Ảnh: VIỆT HÀ

Sông Vĩnh Địnhđoạn chảy qua Vân Tường. Ảnh: VIỆT HÀ

Về Vân Tường, chúng ta không chỉ được thấy những danh lam thắng cảnh mà còn được biết những địa danh vàng chói lọi của lịch sử cánh mạng. Nằm về hướng Tây của làng, bên cạnh dòng Vĩnh Định có một vùng rừng cây rậm rạp chừng 40 héc ta, hiện một phần diện tích là khu rừng nguyên sinh được Nhân dân trong làng chung tay giữ gìn. Ông Trương Duy, nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, chia sẻ: “Trước đây vùng rừng này cây cỏ mọc rậm rạp, ít người lại qua nên đã trở thành căn cứ hoạt động cách mạng qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Là nơi tập trung quân lương của ta tại vùng đông Triệu Phong để đánh vào chi khu của địch. Hiện nay nhiều hầm hào vẫn còn ở đây...”.

Trong việc khuyến học khuyến tài từ xưa cho đến nay thì các dòng họ cũng đã đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo dựng thế hệ tương lai cho nước nhà cũng như cho quê hương. Các dòng họ ở Vân Tường luôn lấy việc khuyến học và giáo dục nhân cách là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tâm huyết qua nhiều thế hệ. Họ Lê Công của làng Vân Tường là một trong các họ tộc đã thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài đối với con cháu trong các gia đình dòng họ. Chính sự quan tâm sâu sát, động viên kịp thời của dòng họ đã tạo động lực rất lớn cho con cháu vượt khó vươn lên học tập, làm người có ích cho xã hội, rạng danh cho gia đình, họ tộc.

Về với Vân Tường hôm nay, chúng ta bắt gặp màu xanh cây cỏ đang khoe mình tươi thắm trong vườn nhà hòa quyện màu xanh của những cánh đồng rộng lớn. Được biết, 90 ha lúa của thôn hằng năm cho năng suất cao nhất xã Triệu Trạch. Thôn đã thực hiện khá hoàn chỉnh về đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương dẫn nước tưới tiêu. Việc thực hiện thành công dồn điền đổi thửa là một bước đi quyết định cho việc đưa hiện đại hóa vào nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh thế mạnh về phát triển trồng lúa, người dân Vân Tường cũng chú trọng trồng thêm các loại hoa màu. Những loại hoa màu như ớt, đậu xanh như thế này luôn được những bàn tay tảo tần của người dân nơi đây vun tưới.

Ông Lê Loan, trưởng thôn Vân Tường, cho biết: “Các thiết chế văn hóa mới song hành cùng với sự phát triển đời sống văn hóa cơ sở đã tạo nên một Vân Tường vừa cổ kính, vừa văn minh, bình yên sau lũy tre làng. Năm 2003, Vân Tường được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là làng văn hóa. 5 năm liền, từ 2014-2018 là 1 trong 44 đơn vị thôn, bản, cơ quan hành chính, sự nghiệp được tỉnh công nhận là đơn vị văn hóa xuất sắc”.

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150649