Văn - võ song hành

Việt Nam-đất nước trọng văn, quý võ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, văn-võ luôn song hành, tương trợ nhau trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính lẽ đó mà ngày xưa quan niệm võ là nghệ thuật quân sự. Võ nghệ cũng quan trọng như văn chương vậy. Một vị tướng giỏi phải văn-võ song toàn; phải biết đủ “Lục thao”, “Tam lược”, phải xem sách binh pháp, nhất là những sách của các binh gia, danh tướng nổi tiếng, trong đó có cả “An Nam hành binh pháp” của Lý Thường Kiệt; “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Hưng Đạo; “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ. Ngoài ra, lại phải biết cách luận bàn về các võ khí, nói rõ về lợi-hại của mỗi thứ.

 Võ đối kháng của các chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113. Ảnh: Trọng Hải.

Võ đối kháng của các chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113. Ảnh: Trọng Hải.

Để tuyển chọn nhân tài giúp nước, mỗi triều đại đều tổ chức các kỳ thi võ và cũng có những khác biệt nhiều, ít so với các khoa thi văn. Ngoài kỹ thuật, khả năng tác chiến, chiến thuật của võ thuật, thi đấu tranh tài lẫn nhau để phân hạng cao-thấp, các thí sinh còn phải trải qua thêm kỳ thi phúc hạch làm bài trả lời câu hỏi về binh thư, binh pháp, điểm số về câu hỏi này sẽ được căn cứ để xếp hạng các võ tân khoa. Ngoài những khoa thi này, xưa kia còn có những cuộc thí võ, tức là những cuộc tỷ thí để triều đình tuyển được nhân tài, tìm những anh hùng, những bậc võ nghệ tài giỏi giúp nước.

Tới giai đoạn lịch sử cận đại, vẫn còn rất nhiều trận đánh chống ngoại xâm mà võ thuật cổ truyền đã giúp ích lớn cho nghĩa quân bằng hình thức chiến đấu có khi tay không hoặc với những loại khí giới thô sơ như mã tấu, đao, gươm, gậy tầm vông. Tới thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp hay kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tinh hoa võ thuật Việt Nam được các vị tướng tài ứng dụng khéo léo trong từng trận đánh, làm nên những chiến công hiển hách. Các đội quân du kích dù chỉ sử dụng những binh khí thô sơ như gậy tầm vông, giáo mác, mã tấu... cũng lập nên chiến công. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những niềm tự hào của Quân đội ta là những chiến công được ghi dấu bởi các chiến sĩ đặc công, biệt động.

 Các chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113 biểu diễn khí công. Ảnh: Trọng Hải.

Các chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113 biểu diễn khí công. Ảnh: Trọng Hải.

Tinh hoa võ thuật Việt Nam

Trong dòng chảy hiện đại, võ thuật cổ truyền được truyền bá rộng rãi, giúp người học võ rèn luyện về thể chất và tinh thần, nhất là phẩm chất đạo đức. Hiện nay, võ thuật cổ truyền Việt Nam được Chính phủ cho phép phát triển trong học đường. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có giáo trình, giáo án căn bản cũng như một số bài nâng cao cho 3 bậc học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao tập huấn 3 bài quyền cơ bản và 3 bài Thần đồng quyền, Ngọc trản quyền, Lão mai quyền cho các cấp học; tổ chức tốt nội dung thi đấu võ cổ truyền trong các trường học để nhà trường lựa chọn mở câu lạc bộ võ thuật trong nhà trường, tiến tới hoàn thiện hệ thống giải võ cổ truyền Việt Nam trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

Cùng với đó, liên đoàn đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đưa võ thuật cổ truyền vào tập luyện trong chương trình đào tạo võ thuật của nhiều đối tượng thuộc lực lượng vũ trang. Ngoài ra, liên đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các bài quyền cổ, bảo tồn các lò võ của võ cổ truyền Việt Nam, tìm cách khôi phục dụng cụ, trang phục, binh khí... Trong những năm qua, liên đoàn đã thành lập, đưa vào hoạt động có hiệu quả học viện, các phân viện trong và ngoài nước chuyên đào tạo, nghiên cứu và phát triển võ cổ truyền Việt Nam.

Ngày nay, võ thuật cổ truyền được xem là di sản văn hóa của dân tộc, được phát triển theo chiều hướng tầm nguyên, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tinh hoa vốn quý. Đã và đang có thêm các công trình đánh giá bản chất và giá trị đích thực của võ thuật cổ truyền trong dòng lịch sử của dân tộc, cũng như phương hướng thúc đẩy loại hình văn hóa phi vật thể này trong đời sống, cả ở trong nước và trên phạm vi quốc tế.

Đại võ sư quốc tế TRƯƠNG VĂN BẢO, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/van-vo-song-hanh-617785