Vấn vương hương vị lẩu mắm miền Tây
Lẩu mắm là cách ăn cầu kì, biến tấu ngoạn mục từ món mắm bình dị của người miền Tây.
Từ thuở sơ khai, lẩu mắm chỉ là con mắm đem kho nêm nếm cho vừa ăn rồi chấm với các loại rau có sẵn trong tự nhiên như rau muống, rau nhút, điên điển, rau dừa, kèo nèo, tai tượng... Sau này để đáp ứng đa phần thị hiếu của thực khách miền Tây, mà cách chế biến có phần thêm cầu kỳ.
Mắm cá sặt là món ăn của người Việt, được chế biến theo kiểu nước lèo ăn bún theo sở thích của bà con Khmer, nấu trong lẩu theo cách của người Hoa. Thương lắm nồi lẩu mắm đằm thơm, bởi chất chứa và mang trong mình nét văn hóa đậm đà của 3 dân tộc Việt – Khmer - Hoa…
Lẩu mắm bắt nguồn từ Cần Thơ "gạo trắng nước trong" nhưng nguyên liệu chính là mắm cá sặc hay mắm cá linh ngon nhất thì phải xuống tận vùng Châu Đốc, thiên đường của những món mắm đồng. Đi dọc những căn nhà ở đây đừng lấy làm lạ khi bạn thấy những chiếc lu nhỏ được đậy nắp kín đáo, đấy là cách mà những món mắm được tạo thành. Cá, tôm, tép được ủ muối trong khoảng thời gian dài cho dậy vị và ngấm mùi, sau đó là vô số cách nấu để chế biến ra những "tuyệt tác" từ mắm.
Lẩu mắm là cách ăn cầu kì, biến tấu ngoạn mục từ món mắm bình dị của người miền Tây. Nước dùng ngọt ngào được ninh từ xương heo hay vị thanh mát của dừa tươi là nền tảng của một phần lẩu ngon. Sau đó, mắm cá sẽ được pha loãng và cho vào hầm cùng nước súp, với độ lửa thích hợp tạo nên bản hòa ca nhịp nhàng của vị mắm đặc trưng. Tùy vào người thợ mà có công thức nêm nếm sao cho hài hòa, nước dùng cần đậm đà vừa phải để không lấn át đi cái chất riêng của mắm. Người miền Tây hào phóng, lúc nào cũng "bồi" vào phần lẩu nào là cà tím, khổ qua, nấm,… để tăng thêm vị ngọt tự nhiên và sắc màu cho món ăn.
Đặc trưng của lẩu mắm là nước lèo mắm chưng, thường là mắm cá sặc, cũng có nơi dùng mắm lóc, mắm linh, mắm trèn. Thêm vào đó là một số gia vị khác nêm kèm, để át bớt mùi mắm. Thực ra đây là một hình thức mắm kho được nâng cao lên tầm nghệ thuật. Nghệ thuật này được thể hiện cả trong cách trang trí món ăn và cả cách ăn phối hợp đủ sắc, hương, vị trong từng miếng ăn làm sao đủ sắc trắng, xanh, tím, hồng, đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.
Một nồi mắm ngon là phải dung nạp đầy đủ các món ăn kèm. Bạn có thể thỏa thích kết hợp với vô số thực phẩm khác như: thịt ba rọi, cá basa, cá tra của vùng nước đậm phù sa hay những con tép, con tôm sần sật vị ngọt tự nhiên. Nói chung, nồi lẩu mắm hào phóng như chính người dân nơi đây, có thể làm hài lòng mọi khẩu vị.
Rau xanh là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, nhất là khi ăn lẩu mà thiếu rau thì lẩu cũng mất ngon. Thường rau ăn kèm là những loại có sẵn trong vườn hay trong tự nhiên không cần phải đi đâu xa. Cứ xách rổ dạo một vòng quanh vườn là sẽ có đủ loại rau nào bắp chuối, nhãn lồng, tai tượng, kèo nèo, bông súng... Hoặc bơi xuồng đi hái ngó non lục bình là có thể lai rai một bữa. Tháng tám mùa nước nổi còn có thêm bông điên điển, ăn kèm với lẩu mắm nóng hổi thì tuyệt vời.
Khi ăn nếu thích bạn có thể ăn chung với bún. Cho rau phía dưới sắp bún lên trên chan vào tô nước lẩu còn nóng hôi hổi, thêm tí muốt ớt cay, chanh và thưởng thức.
Khi chuẩn bị, người ta dọn hết mọi thứ lên bàn ăn, mắm dọn ra nguyên màu sắc, ít nêm nếm, gia giảm, khi ăn thì lại thoải mái, đa dạng, tùy theo cách ăn của từng người.
Lẩu mắm luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho người dân miền Tây tiếp đãi thực khách phương xa. Không chỉ độc đáo ở mùi vị đặc trưng gây tò mò mà nồi lẩu mắm còn tô điểm những gam màu dung dị của miền sông nước. Để những người con xa quê lại phải vấn vương hương vị, nhớ mãi nồi lẩu mắm đậm đà của quê hương.