Vàng bật tăng mạnh, giá SJC dần lấy lại mốc 66 triệu đồng/lượng

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay bật tăng trở lại lên 1.930 USD/ounce, tăng thêm 30 USD/ounce so với phiên cuối tuần khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.

Giá vàng bật tăng trở lại trên 1.930 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng nay sau khi lao dốc khoảng 80 USD vào cuối tuần trước, vì thị trường phản ứng với khủng hoảng tại Ukraine.

Thị trường vàng tiếp tục chứng kiến sự biến động đáng kể khi các quốc gia phương Tây phản ứng trước những căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Thêm vào đó, chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ đã tăng 2,1% trong tháng 1/2022 sau khi giảm 0,8% trong tháng 12/2021. Sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tăng 1,5% trong tháng Một sau khi giảm 1,3% trong tháng trước đó.

Sức mạnh tiềm ẩn có thể giúp nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất trong tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát cũng như bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới này trước tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng, kim loại quý vẫn phải đối mặt với đà tăng mạnh của USD với tư cách là đồng tiền thống trị thế giới trong môi trường không chắc chắn này.

Sức khỏe đồng bạc xanh của Mỹ tuần này chịu ảnh hưởng từ diễn biến chiến sự tại Ukraine cũng như các số liệu thống kê kinh tế từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Anh. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống 96,53 điểm.

Các nhà phân tích chỉ ra sự rõ ràng xung quanh các lệnh trừng phạt là một trong những lý do đằng sau sự lao dốc của vàng, đồng thời nói thêm rằng, nhiều người đã đặt cược vào phản ứng gay gắt hơn nhiều từ phương Tây.

Một trong những kết quả quan trọng hơn là thị trường năng lượng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, đồng nghĩa với việc giảm căng thẳng về nguồn cung dầu.

Giá dầu đã giảm. Kỳ vọng lạm phát ít hơn và tỷ giá thực tế cao hơn không phải là điều tốt đối với vàng. Phương Tây không trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu hoặc khí đốt của Nga.

Việc nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga, chẳng hạn như cấm họ tham gia hệ thống SWIFT, là một phần lý do đằng sau sự đảo chiều của vàng.

Giá vàng năm 2022 được dự đoán sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm. Các chuyên gia nhận định có nhiều khả năng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá kim loại quý có thể được hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, giá vàng miếng SJC do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức giá 64,9-65,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán vẫn gần 1 triệu đồng/lượng.

Tại hệ thống PNJ niêm yết SJC ở mức 64,9 - 65,9 triệu đồng/lượng tại cả hai khu vực Hà Nội, TP.HCM và riêng miền Tây PNJ niêm yết giá vàng SJC ở mức 64,9-65,7 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới vẫn hơn 11 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.

Sáng 28/2, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.140 đồng/USD, giảm 106 đồng so với cuối tuần qua. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại hầu như đứng yên. Vietcombank vẫn giữ nguyên giá mua vào 22.650 VND/USD và bán ra 22.960 VND/USD.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-bat-tang-manh-gia-sjc-dan-lay-lai-moc-66-trieu-dongluong-d161371.html