Vàng, chứng khoán đang 'lấy lại những gì đã mất'

Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy việc thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm rất mạnh là kết quả tất yếu từ việc nhiều cổ phiếu ngành đã tăng quá nóng, ngoài ra nhà đầu tư bán bớt tài sản để mua đồng Yên.

Hôm nay (6-8), các thị trường tài chính khác tại châu Á hồi phục mạnh. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tăng khoảng 3,9% và có ngày tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 11-2022. Trước đó, chỉ số mất đến hơn 6% trong ngày thứ Hai.

 Việc đồng Yên Nhật tăng giá quá mạnh liên tục từ thứ Năm tuần trước khiến cho hàng loạt nhà đầu tư trên khắp thế giới giảm mạnh hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) bởi họ trở nên sợ hãi - Nguồn: CNN

Việc đồng Yên Nhật tăng giá quá mạnh liên tục từ thứ Năm tuần trước khiến cho hàng loạt nhà đầu tư trên khắp thế giới giảm mạnh hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) bởi họ trở nên sợ hãi - Nguồn: CNN

Tâm lý lạc quan lan rộng trên các thị trường tài chính châu Á

Tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, cổ phiếu đồng loạt tăng điểm mạnh. Thị trường Ấn Độ giảm điểm nhẹ, thị trường Australia tăng 2%. Thị trường Hàn Quốc đã có lúc phải tạm ngưng giao dịch khi làn sóng mua vào quá mạnh.

Thị trường chứng khoán Nhật đã có một phiên tăng điểm vô cùng ấn tượng. Chỉ số chính của thị trường tăng 9,5% lên mức 34.435,82 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật đã biến động lên xuống rất mạnh trong khoảng 3 phiên gần đây.

Phiên đầu tuần (ngày 5-8), chỉ số hạ 12,4% và có ngày giảm điểm tồi tệ nhất trong lịch sử của chỉ số. Thông tin từ Mỹ hỗ trợ phần nào cải thiện tâm lý nhà đầu tư.

Bên kia bán cầu, các chỉ số chứng khoán Mỹ tương lai tăng, tâm lý của nhà đầu tư cải thiện khi số liệu mới công bố cho thấy chỉ số ISM của ngành dịch vụ Mỹ tháng 7-2024 tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Ngày thứ Hai (5-8), Chủ tịch Fed tại San Francisco – bà Mary Daly khẳng định thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt tăng trưởng, điều đó đồng nghĩa Fed sẽ buộc phải hạ lãi suất trong quý tới, tuy nhiên bà bác bỏ quan điểm cho rằng thị trường lao động Mỹ đang suy yếu nhanh.

Phân tích về lý do thị trường tăng điểm trở lại, chuyên gia kinh tế phụ trách châu Á tại ngân hàng SMBC ở Singapore – ông Ryota Abe chỉ ra: Những nỗi lo giảm dần về kinh tế Mỹ cũng như kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhiều lần đã giúp bình ổn tâm lý của thị trường chứng khoán Nhật cũng như các nước châu Á. Diễn biến mới nhất của tỷ giá đồng Yên Nhật cũng giúp bình ổn tâm lý của nhà đầu tư.

Phiên sáng nay, đồng Yên Nhật giao dịch ở mức 146,3 Yên/USD. Phiên ngày 5-8 tại châu Á, đồng Yên Nhật có lúc tăng giá 3,4% so với USD, đạt 141,675 yên/USD. Trong 1 tháng qua, đồng Yên Nhật đã tăng giá đến 8% so với đồng USD. Tính trong quý II-2024, đồng Yên tăng 11%.

Chuyên gia phân tích thị trường tại tổ chức IG Australia, ông Tony Sycamore, trong nghiên cứu công bố vào ngày hôm nay nhấn mạnh: “Việc nhà đầu tư trên các thị trường tài chính bán mạnh trong phiên ngày thứ Hai có thể coi như kết quả trực tiếp từ việc điều chỉnh trạng thái đầu tư của họ với cổ phiếu nắm giữ từ trước đó”.

Theo phân tích của chuyên gia, một yếu tố khiến các thị trường chứng khoán châu Á điều chỉnh mạnh trong phiên ngày đầu tuần cũng bởi nhiều nhà đầu tư lo ngại về kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái, ngoài ra là cổ phiếu của nhóm các doanh nghiệp công nghệ, trong đó đặc biệt nhóm trí tuệ nhân tạo đã tăng quá nóng trong thời gian trước. Chính vì vậy, sự điều chỉnh là hoàn toàn dễ hiểu.

Cùng lúc đó, việc đồng Yên Nhật tăng giá quá mạnh liên tục từ thứ Năm tuần trước khiến cho hàng loạt nhà đầu tư trên khắp thế giới giảm mạnh hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) bởi họ trở nên sợ hãi.

Carry trade là khi nhà đầu tư đi vay một đồng tiền có lãi suất thấp như đồng yên để đầu tư vào những đồng tiền khác hoặc tài sản ở những thị trường có lãi suất cao hơn. Khi đồng Yên Nhật được kỳ vọng tăng quá nhanh, họ bán bớt tài sản nắm giữ để tranh thủ mua đồng Yên trước khi đồng tiền này tăng giá thêm.

Tuy nhiên sang đến phiên ngày hôm nay, khi thị trường đón nhận loạt thông điệp tích cực từ Mỹ, tâm lý nhà đầu tư nhờ vậy cải thiện mạnh.

Chuyên gia về chiến lược đầu tư tại quỹ Sanford C. Bernstein, ông Rupal Agarwal, cho rằng thị trường trong ngày đầu tuần dường như đã phản ứng thái quá: “Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường đã khá cực đoan trong ngày đầu tuần, sang đến ngày thứ Ba, nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Họ vì vậy mua mạnh trở lại một số loại cổ phiếu phòng thủ”.

Có lý do để lạc quan về triển vọng thị trường

Nhận định về triển vọng tương lai, chuyên gia quản lý quỹ tại tổ chức T. Rowe Price ở London, ông Daniel Hurley, cho biết: “Để dự báo về diễn biến thị trường, cần xem xét rất kỹ đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Nhật chịu ảnh hưởng ra sao sau biến động tăng rất mạnh của tỷ giá đồng Yên”.

Chính phủ Nhật đã thể hiện quyết tâm bình ổn thị trường tài chính. Trong cuộc họp báo tổ chức ngày hôm nay tại Hiroshima nói về phiên sụt giảm điểm kinh hoàng trên thị trường chứng khoán Tokyo, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh kinh tế Nhật sẽ vẫn vững vàng, tăng trưởng mức lương của người lao động cao, lạm phát tăng ổn định.

Phiên hôm nay, giá dầu trên thị trường châu Á tăng mạnh từ ngưỡng thấp nhất trong 7 tháng bởi tình hình chiến sự căng thẳng tại tình hình khu vực Trung Đông đã khiến cho một giếng dầu lớn tại Libya ngừng hoạt động.

Cũng trên thị trường hàng hóa, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á hiện đang ở mức 2.412USD/ounce, không thay đổi nhiều so với mức chốt phiên gần nhất trên thị trường New York vào ngày hôm qua. Phiên gần nhất tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới sụt đến 3%. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng giá vàng sẽ sớm hồi phục trở lại khi tâm lý trên thị trường chứng khoán bình ổn.

Chuyên gia phân tích tại ngân hàng UBS, ông Giovanni Staunovo, nhận định về triển vọng giá vàng thế giới: “Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng thế giới, giá có thể chạm mức 2.600USD/ounce vào cuối năm. Diễn biến tiếp theo của giá vàng sẽ phụ thuộc vào lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed”.

Ngày đầu tuần, bitcoin đã có một phiên rung lắc lịch sử khi mà giá thị trường hạ dần theo thời gian từ dưới 60.000 USD về khoảng 54.000 USD vào hơn 8h sáng. Sau đó, đồng tiền này phục hồi nhẹ và giằng co quanh mốc trên. Đầu giờ chiều qua, giá bitcoin thủng mốc hỗ trợ quan trọng, rơi thẳng về 49.314 USD một đơn vị - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2. Trong 24 giờ, tiền số lớn nhất thế giới mất khoảng 14% giá thị trường.

Phiên hôm nay, giá các loại tiền số đã tăng trở lại. Giá bitcoin tăng 1,8% lên 55.395,78USD/bitcoin. Giá đồng ether tăng 2,2% lên 2.940,44USD/ether.

Trong tuần này, nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu cần theo dõi một số thông tin kinh tế quan trọng bao gồm quyết định lãi suất của Australia, doanh số bán lẻ châu Âu, dự trữ ngoại hối Trung Quốc, tín dụng tiêu dùng Mỹ, sản xuất công nghiệp Đức, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vang-chung-khoan-dang-lay-lai-nhung-gi-da-mat-post803900.html