Vắng du khách do Covid-19, người dân Amsterdam đang tận hưởng yên bình
Sau những sự bối rối ban đầu, họ bắt đầu quen dần với những đường phố vắng bóng người và tận hưởng cuộc sống yên tĩnh.
Một vài tuần sau khi ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận tại Hà Lan, người dân Amsterdam được yêu cầu phải ở trong nhà. Các quán bar và trường học đã phải đóng cửa và cuộc sống tại Amsterdam đã chậm lại.
Sau những sự bối rối ban đầu, họ bắt đầu quen dần với những đường phố vắng bóng người – một hiện tượng lạ trong nhiều năm qua.
Trong thập kỷ qua, Amsterdam đã trở thành một thành phố tấp nập và hỗn loạn, những người dân cũng vì thế mà dần trở nên nóng tính. 863 ngàn cư dân của thành phố phải mở cửa cho 9 triệu du khách mỗi năm.
Những cửa hàng trong trung tâm thành phố đã phải chuyển sang bán những mặt hàng phục vụ du lịch, bán bánh kếp, đồ lưu niệm và hạt cần sa, và cửa hàng dành cho cư dân đã phải đóng cửa vì giá thuê đắt đỏ và ít khách hàng. Hơn nữa, người dân địa phương đã bắt đầu tránh những vùng đẹp nhất của thành phố vì những ngôi nhà ở đó được dành cho du khách cho thuê.
Trung tâm thành phố đang chết dần tới mức chính phủ Hà Lan đã dừng quảng bá Amsterdam như một điểm đến du lịch.
Tôi sống ở phía tây của Amsterdam, một khu phố với ít địa điểm du lịch và nhiều người dân hơn. Bởi vì chúng tôi có lệnh phong tỏa thông minh, chúng tôi phần nào được phép ra ngoài. Ban đầu, ít người dám làm điều đó – mua cà phê, thực phẩm hay đi dạo trong công viên. Mọi thứ trở nên im lặng hơn đáng kể, nhưng không hề là gì so với cảnh tượng tại trung tâm thành phố.
Sau vài ngày phong tỏa, tôi đã đạp xe tới trung tâm thành phố - một việc tôi chưa làm nhiều năm nay. Quảng trường Dam và Damstraat thường kẹt cứng xe cộ và du khách giờ vắng ngắt như bị bỏ hoang. Những phố đèn đỏ, các con hẻm và cầu hẹp, và cả phố Zeedijk trên đường về nhà tôi thường tắc cứng giờ đều trống không. Tất cả những điều đó đã trả lại vẻ đẹp cho khu vực này. Tôi đã khóc lúc ấy, một cảm xúc từ lâu chưa trở lại trong thời gian dài. Và không chỉ có tôi như vậy.
Mathys van Abbe sống trên một con thuyền ở Oudeschans – một con kênh gần với khu phố đèn đỏ, cũng cảm thấy như thế. Anh nói: “Trước đại dịch, khu vực Nieuwmarkt và khu phố này chật đầy du khách, đặc biệt là trong một, hai năm trở lại dây. Có quá nhiều rác và cuộc sống rất stress, không thể đi xe đạp trên một số con phố. Giờ đây, tôi có thể giao lưu với hàng xóm, các con kênh sạch hơn bao giờ hết và thiên nhiên trong thành phố đang phát triển. Amsterdam đang có một nhịp thay mùa trở lại thật bình yên.”
Van Abbe sống ở một khu phố bận rộn nhưng tại một vị trí khá yên tĩnh. Những người khác sống ở các điểm nóng du lịch phải đối đầu với lượng khách rất lớn mỗi ngày.
Eva de Vos có nhà ở sau Cung điện Hoàng gia ở quảng trường Dam. Trước khi phong tỏa, cô nói rằng mình sẽ không thể đi dạo khi ra ngoài căn hộ. “Giờ tôi có thể đỗ xe đạp trước nhà, sẽ có ít các vụ va chạm hơn và tôi không phải dọn đống bừa bộn trước vỉa hè mỗi ngày”, cô nói. “Chúng tôi phải đương đầu với hơn 30 nghìn người đi bộ hàng ngày qua nhà. Có rất nhiều rác, tiếng ồn và tiếng người vào ban đêm. Giờ thì khu phố đã sạch hơn, yên tĩnh hơn và gọn gàng hơn”.
Mặt trái của việc vắng bóng du khách là doanh thu sụt giảm và các cửa hàng sắp phá sản. Rõ ràng trung tâm thành phố phụ thuộc vào số lượng du khách tới đây. “Amsterdam không còn là Amsterdam”, De Vos nói. “Rất nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa, và tôi cũng nhớ sự nhộn nhịp của đường phố. Tôi cũng ủng hộ việc du khách trở lại khi đại dịch này qua đi, nhưng chỉ một nửa số lượng so với trước đây thôi là đủ. Tôi không thể đi bộ quá hai bước mà không có một người hỏi tôi đường tới khách sạn của họ, phố đèn đỏ hoặc Nhà tưởng niệm Anne Frank”.
Nhà tưởng niệm Anne Frank đã chào đón 1,3 triệu người xem vào năm 2019 – 108 nghìn người một tháng, nhưng hiện giờ đang đóng cửa và cũng phải chịu hậu quả chung. Giám đốc truyền thông Maatje Mostart chia sẻ: “92% khách tham quan của chúng tôi là du khách nước ngoài, và điều này rất quan trọng khi chúng tôi là một bảo tàng độc lập và không có trợ cấp từ chính phủ. Hiện tại chúng tôi không có doanh thu. Chúng tôi có thể cầm cự với số vốn có được qua năm nay, nhưng nó không nên kéo dài lâu hơn. Trong lúc đó, bảo tàng sẽ có các hoạt động trực tuyến và 1/6 này chúng tôi sẽ mở cửa một cách thận trọng”.
Sharon O’Dea sống trên con kênh Bloemgracht thơ mộng đối diện Nhà tưởng niệm. Cô nói rằng thành phố đã mất đi năng lượng khi không có luồng du khách, nhưng cũng có những điểm tốt của nó. “Có nhiều người thấy phiền với du khách, đặc biệt là những nhóm độc thân, nhưng nhiều phần của thành phố như bị bỏ hoang nếu thiếu họ”.
O’Dea nói rằng cô thích sự yên bình. “Cảm giác như chúng tôi trở thành một cộng đồng hơn. Người ở cửa hàng nhận ra tôi khi tôi đến. Các cửa hiệu nhanh chóng lập các dịch vụ giao hàng và mang đi tiện lợi, và chúng tôi bắt đầu sử dụng dịch vụ giao hàng để giúp họ vượt qua khó khăn. Một thứ tôi để ý là mọi người đã dùng tiếng Hà Lan nhiều hơn, thay vì nói tiếng Anh với du khách”.
Các bảo tàng như Nhà tưởng niệm Anne Frank không chỉ là những nơi duy nhất phải đóng cửa.
Nik Poldervaart, đồng sở hữu Café de Kroegtijger trên phố du lịch Zeedijk đã buộc phải dừng bán bia. “May mắn thay chúng tôi có hội những khách quen. Tuy vậy 20-30% khách ở đây là du khách, nên khi chúng tôi mở cửa lại vào 1/6, sẽ không có nhiều ảnh hưởng vì mọi người phải đặt trước và chỉ được tối đa 15-20 người trong quán và mỗi người sẽ phải cách nhau 1,5m. Chúng tôi sẽ làm như vậy trong tầm hai tháng, rồi tình hình sẽ quen dần. Mọi người sẽ quen với việc các quán bar và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại và sẽ đặt lịch ít hơn”.
Trước đại dịch, Café de Kroegtijger chào đón rất nhiều cả người dân địa phương lẫn du khách. Poldervaat hi vọng người dân Amsterdam sẽ thăm trung tâm thường xuyên hơn. “Một trong những lí do tôi không bao giờ đến khu này trước khi tôi mở quán café là vì tôi muốn được nói tiếng Hà Lan và ở quanh những người dân hơn. Chúng tôi muốn thu hút họ hơn nữa và tránh những người nghĩ rằng mọi thứ ở đây được cho phép, và thông báo tới du khách về những luật bất thành văn ở đây: không hút thuốc quanh trẻ nhỏ, không đi thăm phố đèn đỏ như một gia đình (tại sao bạn lại ở đó với một trẻ nhỏ?) và cẩn thận bước chân nếu bạn không muốn ngã xuống kênh.”
Một địa điểm du lịch khác là Chợ hoa Amsterdam, gần nơi Jacqueline Tas đã sống hơn 20 năm.
“Khi tôi chuyển đến đấy, đã từng có một quầy bán phô mai ở góc phố, một hàng bán thịt, rau củ quả, cá và sạp báo. Giờ đây tất cả bọn họ đã biến mất, cũng như những người Amsterdam từ ngoài trung tâm. Phần này của thành phố đã trở nên quá bận rộn với du khách và tôi biết tôi không nên nói điều này – thành phố cần nguồn thu – nhưng tôi đang rất tận hưởng sự yên tĩnh và cuộc sống ở đây. Chúng tôi giờ lại trở thành khu tĩnh lặng của thành phố”- Jacqueline Tas cho biết.
Một điều kỳ lạ ở Amsterdam là khi trung tâm trở nên hoang vu, các vùng ngoại ô vẫn sống động như bình thường. Và một điều trở nên rõ ràng: người dân Amsterdam đang muốn sự yên tĩnh này hơn. Họ đã có trải nghiệm đó và muốn có một sự cân bằng giữa tỉ lệ du khách và người dân địa phương. Đó là một vấn đề được đặt ra trước cả khi đại dịch ập tới.
Geerte Udo là CEO của Amsterdam&partners, một tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm cho quảng bá thành phố từ 2017. Từ khi đó, mục tiêu của công ty đã là quản lí môi trường và đưa du khách đến những nơi ít được biết tới hơn. “Chúng tôi đang tiến đến sự phục hồi bền vững cho kinh tế du lịch nếu những chỉ tiêu được đặt ra hợp lí”.
Tổ chức này đang tìm hiểu cách tập trung vào du khách như “du lịch công việc” – những người đang đóng góp cho Amsterdam và các cư dân mà không tạo ra những phiền phức. “Chiến dịch là chú trọng việc phát hiện những giá trị văn hóa, khu trung tâm cổ và những khu phố khác, các công ty địa phương, không gian công cộng, v.v…”, Udo nói thêm. “Bằng cách này, chiến dịch góp một phần lớn vào việc làm mới những liên kết và tương tác lẫn nhau giữa người dân và thành phố, môi trường. Mục tiêu của chúng tôi là mời người dân tự khám phá thành phố. Chúng ta cũng phải giải quyết để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc tăng trưởng du lịch. Có thể kể đến những ví dụ như cấm dịch vụ Airbnb trong một phần của thành phố và xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa ngoại”. (Airbnb là dịch vụ chủ nhà cho thuê phòng trống trong nhà cho du khách-ND)./.