Vàng liên tiếp lập kỷ lục mới: Kịch bản nào cho giá vàng cuối năm?

Kết thúc tháng 8, giá vàng thế giới đã tăng tăng 104,15 USD/oune so với cùng kỳ tháng 7. Theo các chuyên gia, thời gian tới vàng thế giới sẽ tiếp tục lập đỉnh mới và giá vàng trong nước sẽ tăng vọt lên 90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sẽ vượt đỉnh trong nửa vào cuối năm 2024?

Trong 2 phiên giao dịch gần đây, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới khi vươn lên ngưỡng 2.557 USD/ounce vào ngày 13/9 và 2.577 USD/ounce ngày 14/9. Tính từ đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng 20%.

Một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt gần đây bao gồm sự gia tăng rủi ro về địa chính trị và sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn.

Ngoài ra, nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Ngân hàng trung ương Trung Quốc mua ròng 18 tháng liên tiếp) bổ sung vào kho dự trữ; sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh đều góp phần đẩy giá vàng tăng cao.

Sau khi đạt mức kỷ lục 2.531 USD/ounce cách đây 10 ngày, giá vàng quốc tế đứng quanh mức 2.500 USD/ounce, tăng giảm trong phạm vi 25 USD. Nhưng theo giới phân tích, rất có thể đây chưa phải là mức đỉnh trong trung hạn.

Ba yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng trong nửa cuối năm 2024 được nêu là lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển (trong tháng 6/2024, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Thụy Sỹ, EU, Canada, Brazil… đã bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành); rủi ro địa chính trị; và hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương.

Chỉ số US Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2023, kiểm tra mức hỗ trợ tại 100,5. Trong hai tháng gần đây, thước đo đồng bạc xanh này đã giảm khoảng 5% khi thị trường bắt đầu kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9.

Lãi suất và giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo, tức là khi lãi suất giảm, giá vàng thường tăng và ngược lại. Khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thay vì các tài sản đầu tư khác như trái phiếu cũng giảm, khiến nhà đầu tư tăng mua vàng như là một công cụ bảo vệ tài sản.

Nhận định về diễn biến của giá vàng thế giới, ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn giảm lãi suất, trong khi ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất, chiến tranh giữa Nga - Ukraine, xung đột Trung Đông ngày càng căng thẳng, đều là các yếu tố sẽ tạo ra động lực lớn cho giá vàng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2024.

Ông phân tích, các ngân hàng giảm lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản có lợi tức như trái phiếu và tăng nhu cầu đối với các tài sản phi lợi nhuận như vàng. Khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng cũng giảm, khiến các nhà đầu tư quay trở lại với kim loại quý.

Theo dự báo của J.P Morgan, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức khoảng 2.600 USD/ounce tương đương mức tăng thêm gần 10% so với giá hiện tại.

Cùng nhận định, các chuyên gia UOB, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất.

Vàng dự báo đạt 2.700 USD vào giữa năm 2025 và có thể sẽ tăng thêm trong dài hạn lên mức 3.000 USD ounce…

Bên cạnh lãi suất giảm, chiến tranh Nga - Ukraine và xung đột Trung Đông diễn biến căng thẳng, không chỉ đẩy giá dầu và năng lượng tăng, mà còn làm tăng nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng. Mỗi khi có bất ổn về chiến tranh, vàng luôn là lựa chọn hàng đầu cho giới đầu tư để bảo toàn giá trị.

Với xung đột kéo dài và không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều khả năng thị trường sẽ tìm đến vàng để giảm thiểu rủi ro, tạo đà cho giá vàng tăng mạnh hơn nữa. Dự báo, chiến tranh này nếu kéo dài, có thể khiến giá vàng tiếp tục tăng.

Đồng quan điểm, theo ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, tập đoàn UOB, kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023, vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Bất ổn địa chính trị thúc đẩy hoạt động mua vàng như một “nơi trú ẩn an toàn”.

Cùng với đó là sự mất giá của đồng nội tệ. Đã có báo cáo trong ngành về việc các nhà đầu tư bán lẻ mua mạnh các sản phẩm vàng vật chất như vàng miếng và vàng cục để phòng ngừa bất ổn ngày càng tăng.

Theo cập nhật của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến tháng 5/2024, lượng vàng chính thức mà Trung Quốc nắm giữ đã tăng lên khoảng 2.300 tấn, xấp xỉ đạt 5% tổng dự trữ. Đây là mức tăng khoảng 20% so với mức 1.900 tấn chỉ hai năm trước vào năm 2022.

Theo UOB, với rủi ro gia tăng về xung đột thương mại toàn cầu và các lệnh trừng phạt, các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi và châu Á sẽ có động lực mạnh mẽ để bắt kịp các ngân hàng trung ương thị trường phát triển và phân bổ nhiều dự trữ hơn vào vàng.

Vàng trong nước có tiếp tục lặng sóng?

Thị trường trong nước, kết thúc tháng 8, giá vàng miếng ổn định ở mốc 81 triệu đồng/lượng. Vàng miếng SJC được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước được dự đoán sẽ đạt 90 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Công Hiếu).

Giá vàng trong nước được dự đoán sẽ đạt 90 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Công Hiếu).

So với tháng 7, giá vàng miếng trong nước tăng 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn được điều chỉnh giảm nhẹ, niêm yết lần lượt ở mức 77,3 triệu đồng/lượng mua vào và 78,6 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng giá mua và 50.000 đồng giá bán.

Quy đổi giá vàng thế giới neo ở mức 2.500 USD/ounce (tương đương gần 75,5 triệu đồng/lượng, theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 5,5 triệu đồng/lượng.

Những điều hành của Chính phủ trong nửa cuối quý II/2024 đã kéo chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới giảm từ khoảng 22 triệu/lượng xuống chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng/lượng như hiện nay, đồng thời giá vàng trong nước cũng giảm khá mạnh, từ mức đỉnh khoảng 92 triệu/lượng vào tháng 5/2024 xuống còn khoảng 81 triệu/lượng vào cuối tháng 8/2024.

Dù giá vàng SJC được NHNN giữ giá ổn định nhưng thực tế hiện việc mua vàng miếng SJC bình ổn tại 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC vẫn khó. Còn vàng nhẫn thì hầu hết các đơn vị luôn trong tình trạng "cháy hàng". Nhiều người đã tìm đến thị trường tự do, khiến thị trường vàng xuất hiện tình trạng "hai giá".

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây xáo trộn thị trường. Đặc biệt, người dân mua vàng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Hiện nhu cầu vàng với các nhà đầu tư nội địa vẫn còn rất lớn. Với dự báo giá vàng thế giới có thể vẫn tìm tới đỉnh cao mới trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025, chênh lệnh giá vàng trong nước với giá vàng thế giới có thể sẽ giảm nhưng xu hướng giá vàng trong nước có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm.

Giá vàng thế giới tăng mạnh sẽ tác động đến diễn biến của giá vàng trong nước. Sau một thời gian ổn định, các chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước có thể đạt 90 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới tăng kéo dài.

"Hiện tại giá vàng thế giới đang ở vào vùng quá mua, về phân tích kỹ thuật ở vùng này sẽ chịu áp lực chốt lời mạnh nên có thể sẽ gặp những pha điểu chỉnh mạnh. Vì thế nhà đầu tư cần thận trọng và nắm vững hiểu biết về kiến thức và kỹ năng đầu tư khi tham gia thị trường.

Các nhà đầu tư chỉ nên phân bổ một phần nhỏ vào việc đầu tư, quan trọng là cần tập trung vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư", ông Nguyễn Quang Huy đưa ra lời khuyên.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vang-lien-tiep-lap-ky-luc-moi-kich-ban-nao-cho-gia-vang-cuoi-nam-204240915143112348.htm