Vang mãi hào khí Điện Biên
Những ngày này, tại nhiều địa phương trên cả nước đã tưng bừng diễn ra các hoạt động tri ân, văn hóa-nghệ thuật ý nghĩa kỷ niệm 69 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau 69 năm, chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' vẫn là điểm tựa và động lực để quân dân cả nước nói chung, quân dân tỉnh Điện Biên nói riêng vững bước trên con đường vươn lên xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh
Cách đây 69 năm (7/5/1954-7/5/2023), tại Điện Biên Phủ - trên cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, thuộc miền rừng núi Tây Bắc đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược với kẻ thù xâm lược. Vượt qua mọi thử thách và khó khăn tột cùng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những hình ảnh được ghi lại với sự nỗ lực tột cùng của quân và dân ta, dưới sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược quân sự vượt bậc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những đoàn dân công với xe đạp vận tải vào chiến trường, những đoàn quân kéo pháo hay hành quân với áo trấn thủ và lá ngụy trang, những con người Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường trước sức mạnh vượt trội của kẻ thù đã làm nên một sự kiện chấn động thế giới loài người thời điểm đó.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
69 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến dịch điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định, "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc" (theo cuốn sách: Lê Duẩn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 50).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và XHCN trên thế giới.
Động lực cho sự phát triển
Trở lại Điện Biên hôm nay, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của địa danh lịch sử này. Sau 69 năm từ ngày chiến thắng, Điện Biên không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xứng đáng là phên dậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các chương trình phúc lợi công cộng có tác động tích cực đối với việc phát triển địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư làm thay đổi diện mạo bức tranh nông thôn vùng cao. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng chăm lo gia đình chính sách; quan tâm đời sống đồng bào vùng cao, đảm bảo an sinh xã hội.
Xấp xỉ 7 thập kỷ sau chiến thắng Điện Biên, theo thống kê của tỉnh Điện Biên, năm 2022, tỉnh đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu; GRDP tăng 10,19%. Công nghiệp tăng tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,2%. Dịch vụ phục hồi tốt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 41%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,9%. Các chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm trung bình cả nước và tiếp tục được cải thiện.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm. Tỉnh triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Điện Biên phải phát triển đột phá, nhanh, bền vững, xóa đói giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, với khí thế 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, xứng tầm thương hiệu quốc tế lớn Điện Biên Phủ và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. GRDP tăng 6,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 21,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước tăng 12,3%. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 6,36% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3% so với cùng kỳ. Du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó, khách quốc tế tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ.
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Điện Biên là vùng đất cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam; tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, có biên giới giáp với 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc; có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đan xen. Dân số khá ít, với 19 dân tộc anh em; diện tích tự nhiên lớn; tài nguyên khoáng sản đa dạng; đất đai tương đối màu mỡ; có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng và văn hóa các dân tộc đặc sắc, phong phú...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị thật tốt công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 2024; làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có sân bay, các tuyến giao thông kết nối; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế, ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, thủy điện, khoáng sản, công nghiệp chế biến và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vang-mai-hao-khi-dien-bien-post461021.html