Vang mãi lời thề độc lập

Trước khi nước nhà giành độc lập, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác hai bài hát với giai điệu hùng tráng là 'Tiến Quân ca' và 'Bài ca chiến sĩ Việt Minh' (sau đổi thành 'Chiến sĩ Việt Nam'). Đây là hai trong số ba bài hát sau đó được đưa ra lựa chọn để trở thành Quốc ca Việt Nam. Và 'Tiến Quân ca' trở thành Quốc ca Việt Nam, nhưng 'Chiến sĩ Việt Nam' cũng có vị trí xứng đáng như một lời thề giành độc lập cho nước nhà…

Hai bài hát đăng trên báo Độc Lập

Gần đây, tôi được một nhà sưu tầm gửi tặng bản scan tờ báo Độc Lập (Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam dân chủ Đảng trong Mặt trận Việt Minh) số 2 ra ngày 7/9/1945, trong đó có đăng bài hát “Bài ca chiến sĩ Việt Minh”. Bài hát này ghi “Âm nhạc của Anh Thọ, lời ca của Văn Dũng” mà không phải tác giả là nhạc sĩ Văn Cao như đã biết.

Tôi gọi điện cho họa sĩ Văn Thao, con trưởng của nhạc sĩ Văn Cao để hỏi về việc này, được ông cho biết: “Anh Thọ là mật danh trước đây của cha tôi, lúc nào gặp tôi sẽ kể rõ”. Rồi họa sĩ cho biết lúc này ông đang ở trang trại của gia đình tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) để hoàn chỉnh một số tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao. “Tháng 11 tới là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi. Thông tin này sẽ góp thêm tư liệu về nhạc sĩ mà tôi đang sưu tầm”, họa sĩ Văn Thao nói.

Toàn cảnh Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945. Ảnh: T.L

Toàn cảnh Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945. Ảnh: T.L

Mấy ngày sau, họa sĩ Văn Thao chủ động đến báo Tiền Phong gặp tôi. Cầm bản sao tờ báo Độc Lập mà tôi in ra để tặng ông, họa sĩ Văn Thao cho biết: “Trước đây, bài “Tiến Quân ca” lần đầu được in trên tờ báo Độc Lập xuất bản năm 1944, tôi đã tìm số báo này mà không được. Nay có được một bài hát khác của cha tôi đăng trên tờ báo Độc Lập xuất bản năm 1945 là rất quý”.

Trở lại tên tác giả ghi trong bài hát “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” tôi hỏi bữa trước, họa sĩ Văn Thao cho hay muốn hiểu chuyện này cần bắt đầu từ khi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài hát “Tiến Quân ca”.

“Cha tôi từng kể lại, năm 1944, khi ông từ Hải Phòng lên Hà Nội để hoạt động cách mạng đã ở nhà một người bạn là Đỗ Hữu Ích tại 171 phố Mông-gơ-răng, nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Khi đó, cha tôi lấy mật danh là Anh Thọ để hoạt động bí mật”, họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể, một lần, nhạc sĩ Văn Cao được ông Vũ Quý, một lãnh đạo của Việt Minh gợi ý viết một bài hát cho Mặt trận Việt Minh, nên đã tập trung sáng tác bài “Tiến Quân ca” tại 45 phố Nguyễn Thượng Hiền.

Khi bài hát hoàn thành, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được nghe và rất thích “Tiến Quân ca”. Ông bèn rủ Văn Cao mỗi người sáng tác một bài hát nữa để cổ vũ phong trào Cách mạng của Mặt trận Việt Minh. Và tác phẩm “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” do Văn Cao sáng tác đã ra đời, được nhạc sĩ lấy mật danh Anh Thọ làm tác giả của bài hát. Khi đó, ông Đỗ Hữu Ích đã đề nghị Văn Cao cho mình đứng tên vào bài hát này.

“Thời đó cha tôi còn trẻ, với lại nghĩ mình đã ở nhà bạn bấy nay nên đồng ý. Ông Đỗ Hữu Ích đã lấy tên Văn Dũng để ghi vào bài hát. Vì thế “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” đã ghi nhạc Anh Thọ, lời Văn Dũng là vậy. Sau đó, bài hát này được đổi thành “Chiến sĩ Việt Nam” và mang tên tác giả Văn Cao đến nay”, họa sĩ Văn Thao cho biết.

Với bài hát “Bài ca chiến sĩ Việt Minh”, Bác Hồ thích nhất đoạn cuối: “Thề phục quốc/ Tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân/Tiến lên Việt Nam/Đài hạnh phúc đắp xây tự do/Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm”.

Vang mãi lời thề phục quốc, độc lập

“Bài ca chiến sĩ Việt Minh” cũng là một bài hát “quân ca”. Nếu như “Tiến Quân ca” như lời hiệu triệu cho toàn dân tộc đứng lên cứu nước, thì “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” có phạm vi hẹp hơn, nói về những chiến sĩ cảm tử với lời thề phục quốc quyết giành lại độc lập cho nước nhà. Do thời điểm sáng tác hai bài hát cách nhau không xa, trong khi lúc này công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc là trên hết nên “Tiến Quân ca” và “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” đã cùng chung một chủ đề.

Nhưng nhạc sĩ Văn Cao đã xử lý âm nhạc rất tài tình khiến hai bài hát đều có những nét hay riêng. “Nếu như trong “Tiến Quân ca”, mở đầu là những câu “Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” thì trong “Bài ca chiến sĩ Việt Minh”, cũng là những bước chân lên đường ra trận, những câu mở đầu cũng đầy uy lực: “Bao chiến sĩ anh hùng/Lạnh lùng vung gươm ra sa trường/Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay người/Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời”, họa sĩ Văn Thao nói.

Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao kể về bài hát “Tiến Quân ca” được in trên báo Độc Lập, xuất bản tháng 11/1944

Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao kể về bài hát “Tiến Quân ca” được in trên báo Độc Lập, xuất bản tháng 11/1944

Sau khi “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” được viết xong, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng hoàn thành bài hát “Diệt phát xít” như lời hẹn trước đó với nhạc sĩ Văn Cao. Tháng 8/1945, trước thời cơ Cách mạng đã chín muồi, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định tổ chức Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang) để phát động tổng khởi nghĩa.

Trước khi mở Đại hội, Bác Hồ đã giao cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (lúc đó là thành viên Tổ văn hóa cứu quốc) nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu tham dự đại hội cùng các nhạc sĩ để giới thiệu một số bài hát, qua đó sẽ lựa chọn một bài làm Quốc ca Việt Nam. Kết quả, có ba bài hát được giới thiệu là “Tiến Quân ca”, “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” của Văn Cao và “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi được đưa ra để lựa chọn.

Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Nghe cha tôi kể lại, sau này ông biết khi lựa chọn Quốc ca, Bác Hồ nói “Diệt phát xít” là bài hát hay, dễ phổ cập, nhưng đến nay chế độ phát xít đã tan rã nên lấy bài này làm quốc ca không còn phù hợp. Đối với “Bài ca chiến sĩ Việt Minh”, Bác thích nhất đoạn cuối: “Thề phục quốc/ Tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân/Tiến lên Việt Nam/Đài hạnh phúc đắp xây tự do/Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm”, nhưng Người thấy bài này dài và khó hát.

Do vậy, “Tiến Quân ca” phù hợp nhất để trở thành Quốc ca vì thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lời bài hát lại ngắn gọn, dễ thuộc, giai điệu hùng tráng…”. Sau đó, trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ít ngày, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã họp và quyết định chọn “Tiến Quân ca” là Quốc ca Việt Nam.

“Tiến Quân ca” trở thành Quốc ca Việt Nam, nhưng “Bài ca chiến sĩ Việt Minh” hay “Chiến sĩ Việt Nam” cũng có vai trò xứng đáng, mang khí thế cách mạng của những người chiến sĩ với lời thề phục quốc, quyết giành độc lập cho nước nhà.

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng ghi lại việc in bài hát “Tiến Quân ca” trên tờ báo Độc Lập: “Tháng 11/1944, tôi tự tay viết bài “Tiến Quân ca” lên đá in trang Văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây…”.

KIẾN NGHĨA

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vang-mai-loi-the-doc-lap-post1564873.tpo