Vàng miếng vẫn xấp xỉ 64 triệu đồng/lượng

Bất chấp giá vàng thế giới đã có xu hướng hạ nhiệt, giá vàng miếng trong nước vẫn được các doanh nghiệp bán ra ở vùng cao nhất lịch sử, hiện dao động quanh mức 63,7 triệu/lượng.

Sau giai đoạn tăng giá kéo dài từ cuối tháng 1, giá vàng thế giới đang ghi nhận xu hướng đi ngang và hạ nhiệt so với đà tăng mạnh 2 tuần liên tiếp trước đó.

Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay có thời điểm tăng lên sát mốc 1.910 USD/ounce nhưng sau đó đã gặp áp lực chốt lời lớn từ nhà đầu tư, kéo giá mặt hàng này xuống đóng cửa ở mức 1.898,5 USD.

Như vậy, so với phiên liền trước, giá vàng vật chất đã giảm 4,7 USD trong phiên đêm qua.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng giao ngay khu vực châu Á trên sàn Kitco khi giảm từ vùng 1.910 USD/ounce xuống 1.900 USD hiện tại, tương đương mức giảm ròng 0,5% trong ngày.

Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 4 là mặt hàng hiếm hoi vẫn ghi nhận xu hướng tích cực khi tăng 1,5 USD so với phiên trước, hiện cố định ở 1.901,3 USD/ounce.

 Vàng miếng trong nước vẫn được các doanh nghiệp neo giá cao bất chấp vàng thế giới đã hạ nhiệt. Ảnh: Việt Linh.

Vàng miếng trong nước vẫn được các doanh nghiệp neo giá cao bất chấp vàng thế giới đã hạ nhiệt. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, kim loại quý đang dao động quanh vùng 1.889,7-1.918,3 USD/ounce theo phân tích kỹ thuật trước đó. Đây là 2 mốc hỗ trợ và mốc cản quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng giá kim quý thời gian tới.

Trong đợt tăng giá này, vàng được hỗ trợ mạnh bởi lạm phát toàn cầu tăng cao, trong đó lạm phát ở Mỹ đã lên mức 7,5% vào cuối tháng 1 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1982 đến nay. Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đang hỗ trợ giá vàng tăng trong ngắn hạn.

Ông Wagner cho rằng 2 yếu tố này sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên các mốc cao hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất vào tháng 3 tới.

Tại thị trường trong nước, bất chấp xu hướng hạ nhiệt của thế giới, giá vàng trong nước vẫn được các doanh nghiệp neo ở mức cao, đặc biệt là vàng miếng.

Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay vẫn giao dịch ở mức 63,15 - 63,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Dù đã giảm 50.000 đồng so với sáng ngày 22/2, nhưng đây vẫn là vùng giá cao nhất mà SJC từng niêm yết với vàng miếng. So với một tháng trước, giá mặt hàng này đã tăng xấp xỉ 2 triệu đồng.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng nâng giá bán vàng miếng thêm 200.000 đồng so với ngày 22/2, hiện cố định ở 63,7 triệu/lượng. Giá mua vào được doanh nghiệp này tăng thêm 300.000 đồng, hiện ở mức 63,1 triệu/lượng. Đây đã là mức giá cao nhất mà PNJ từng đưa ra với vàng miếng. So với mức đỉnh trong phiên hôm qua, giá hiện tại vẫn cao hơn 50.000 đồng/lượng.

Tương tự SJC, nếu so với 1 tháng trước, giá vàng miếng tại PNJ cũng đã tăng tới 1,9 triệu đồng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hôm qua đóng cửa giá vàng miếng ở mức 62,9 - 63,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đến sáng nay điều chỉnh giảm 50.000 đồng giá mua và vẫn neo giá bán ở mức cao 63,65 triệu/lượng. Tính trong một tuần gần nhất, giá vàng miếng tại đây đã tăng xấp xỉ 1,2 triệu/lượng.

Cũng trong buổi sáng nay, các doanh nghiệp vàng như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Vàng Mi Hồng… đều có xu hướng giảm nhẹ giá bán vàng miếng so với hôm qua. Tuy nhiên, giá bán ra hiện vẫn phổ biến ở mức gần 63,7 triệu/lượng, cao hơn 2 triệu đồng so với trước Tết Nguyên đán 2022.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vang-mieng-van-xap-xi-64-trieu-dongluong-post1298087.html