Vàng nhẫn 9999 đã 'bay' gần 10 triệu đồng mỗi lượng, nhưng...
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm, chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn 9999 lại nới rộng trong bối cảnh giá vàng thế giới trồi sụt bất thường.
Tính từ đầu tháng 11, giá vàng nhẫn 9999 đã giảm khoảng 9 triệu đồng/lượng. Cùng khoảng thời gian này, vàng miếng SJC giảm từ 7 - 7,5 triệu đồng/lượng, ngang bằng với tốc độ giảm của giá vàng thế giới.
Giá vàng nhẫn 9999 rơi nhanh hơn giá vàng thế giới
Ngày 14-11, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 2.555 USD/ounce, thấp hơn 20 USD/ounce so với giá chốt phiên hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá ngân hàng thương mại, hiện vàng thế giới tương đương gần 79 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Kim loại quý màu vàng đang có phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp, còn nếu tính từ phiên giảm giá sau khi tiệm cận mức 2.800 USD/ounce đến nay giá vàng quốc tế đã “bốc hơi” khoảng 245 USD/ounce trong bối cảnh tình hình Trung Đông hạ nhiệt. Như vậy, chỉ sau 2 tuần, kim loại quý đã giảm khoảng 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Việc giá vàng thế giới giảm là điều không cần phải bàn cãi. Bởi khi giá đã tăng quá nhanh, tăng tới 35% so với đầu năm nay trong khi lịch sử giá vàng ghi nhận mức tăng lên đến 20%/năm đã được xem là “khủng khiếp”. Bất cứ một loại hàng hóa nào khi tăng nóng như vậy thì cũng sẽ chịu áp lực điều chỉnh giảm do nhu cầu chốt lời là điều dễ hiểu.
Khi vàng ngoại đảo chiều rơi đã kéo giá vàng trong nước chìm trong sắc đỏ. So với chốt phiên hôm qua, vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều và được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 80 – 83,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, vàng nhẫn 9999 cũng thấp hơn 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, đưa giá về 79 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,7 triệu đồng/lượng (bán ra).
Những bệ đỡ cho giá vàng thế giới trong dài hạn
Từ đầu năm nay đến tháng 10 vừa qua, chỉ có duy nhất tháng 6 là giá vàng thế giới đi ngang, tất cả các tháng còn lại đều thiết lập kỷ lục giá mới nhờ lực mua của ngân hàng trung ương và nhu cầu của nhà đầu tư đồng loạt tăng cao. Nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng quốc tế điều chỉnh giảm do áp lực chốt lời khi nhà đầu tư nghi ngờ đà tăng của kim loại màu vàng này.
Tuy nhiên, ông Axel Rudolph, Chuyên gia phân tích kỹ thuật cấp cao tại IG ở London (Anh) cho rằng: Xét trong trung và dài hạn, vàng vẫn có các yếu tố hỗ trợ.
Khi phân tích tính ổn định của xu hướng tăng giá dài hạn của kim loại quý, yếu tố đầu tiên mà ông Rudolph xem xét là hoạt động mua của các ngân hàng trung ương.
"Các ngân hàng trung ương đã đẩy mạnh mua vàng, đạt mức cao nhất lịch sử với gần 400 tấn chỉ trong nửa đầu năm 2022, tốc độ nhanh nhất 55 năm qua. Xu hướng này tiếp tục đến tháng 7/2024, khi giao dịch mua vàng toàn cầu đạt đỉnh trong gần 14 năm", ông Rudolph nói.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, các ngân hàng trung ương đã chuyển từ người bán ròng sang người mua ròng. Nhiều ngân hàng trung ương như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Hungary đã tăng đáng kể tỉ lệ dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối của mình. Lực cầu mua vàng tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương là động lực chính thúc đẩy vàng liên tục tăng giá.
“Trong khi đó, nợ công toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, cộng thêm với tình hình bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng, thì vàng luôn được xem là tài sản phòng chống rủi ro hữu hiệu nhất", ông Rudolph cho biết thêm.
Cho dù, tỉ lệ lạm phát đang có dấu hiệu suy giảm nhưng kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một vòng xoáy lạm phát khác. Bởi trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với toàn bộ hàng vào Mỹ, riêng với Trung Quốc con số này có thể lên đến 60%. Đề xuất này có thể khiến lạm phát mạnh hơn và dai dẳng hơn nếu các đối tác thương mại trên toàn cầu có hành động trả đũa.
Một yếu tố khác để kéo giá vàng là quay lại đường đua đó là nhờ sự phục hồi về nhu cầu vàng trang sức, trong khi nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế.
“Mặc dù giá vàng tăng nhanh chưa từng thấy, nhưng sản lượng vàng trên thế giới vẫn tương đối ổn định trong thập kỷ qua, điều này tạo ra sự mất cân bằng cung- cầu. Khi nguồn cung bị thắt chặt càng hỗ trợ cho giá vàng, khiến nó trở thành một thị trường hấp dẫn để đầu tư”, ông Rudolph nêu quan điểm.
Ngoài ra, với việc vàng đã tăng khoảng 35% tính đến cuối tháng 10, cho thấy tỉ suất lợi nhuận của loại tài sản này tốt hơn hẳn so với các tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời mang lại lợi ích đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Nhìn chung, các chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa vẫn bảo lưu quan điểm tích cực về giá vàng trong dài hạn. Qua nhiều thế kỷ với các chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư luôn tìm kiếm đến vàng để bảo toàn vốn trong thời kỳ bất ổn. Bên cạnh đó, hoạt động mua của ngân hàng trung ương, nhu cầu của nhà đầu tư và các hạn chế về nguồn cung càng góp phần cho kim loại quý này còn nhiều cơ hội tỏa sáng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vang-nhan-9999-da-bay-gan-10-trieu-dong-moi-luong-nhung-post819825.html