Vàng Phú Nhuận (PNJ): Hé lộ 'bí mật' kinh doanh vàng, mục tiêu lãi năm nay cao kỷ lục
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức cao nhất lịch sử trong bối cảnh giá vàng liên tục phá đỉnh.
Mục tiêu lãi kỷ lục, trở thành thương hiệu trang sức tỷ USD
Ngày 16/4, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với loạt thông tin đáng chú ý.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, mặc dù đánh giá bức tranh kinh doanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Vàng Phú Nhuận vẫn trình và được cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và tăng 6% so với mức thực hiện năm 2023.
Đây đều là những con số kỷ lục mới của doanh nghiệp bán lẻ trang sức này. Trong năm ngoái, Vàng Phú Nhuận đã ghi nhận mức lãi ròng cao nhất 35 năm hoạt động, tăng 9% so với năm 2022.
Chia sẻ tại Đại hội, ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Vàng Phú Nhuận cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng đều qua các năm là bởi ngành bán lẻ trang sức tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
“Vàng Phú Nhuận lại đang sở hữu nhiều thế mạnh cạnh tranh. Sự phát triển của thương mại điện tử tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trang sức mở rộng kênh phân phối, tiếp cận nhiều khách hàng hơn và tăng doanh thu…”, ông Lê Trí Thông nói.
Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Vàng Phú Nhuận cho biết, tham vọng của Vàng Phú Nhuận là trở thành thương hiệu trang sức tỷ USD trong thời gian tới.
Thông tin thêm về chiến lược trên, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Vàng Phú Nhuận nói: “Giá trị thương hiệu của công ty hiện đã đạt gần 500 triệu USD và công ty đặt mục tiêu giá trị thương hiệu đạt 1 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, công ty đang xây dựng các hoạt động phát triển bền vững ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu công ty”.
Cũng tại Đại hội, cổ đông Vàng Phú Nhuận đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 ở mức 20% bằng tiền mặt, tương đương với mức chia cổ tức năm 2023.
Đồng thời, cổ đông cũng thông qua kế hoạch chào bán 3,35 triệu cổ phiếu với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu này sẽ bị phong tỏa trong vòng 36 tháng và được giải tỏa theo từng đợt cứ mỗi 12 tháng.
Song song với đó, HĐQT Vàng Phú Nhuận cũng đã trình và được thông qua phương án phát hành 1,8 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024 với giá 20.000 đồng/cổ phiếu dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2028-2023.
Giá vàng tăng “nóng” là vấn đề “cân não”
Tại phần Thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là việc quản lý hàng tồn kho trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, giá vốn của Vàng Phú Nhuận sẽ biến động theo giá nguyên liệu, vì tỷ trọng đang chiếm khoảng 50%, và công ty sẽ có điều chỉnh giá khi biến động hơn 5%.
"Giá vàng tăng thì tài sản tăng nhưng điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của công ty trong vấn đề bảo toàn tài sản. Đây là vấn đề cân não từng ngày từng giờ, vì giá vàng tác động tới hoạt động kinh doanh của công ty. Ngay như việc một số tiệm vàng tạm đóng cửa trong bối cảnh hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý diễn ra, Vàng Phú Nhuận không lo ngại bởi hoạt động minh bạch xưa giờ, hóa đơn chứng từ đầy đủ. Nhưng tiệm vàng không hoạt động thì doanh nghiệp lớn như Vàng Phú Nhuận cũng bị ảnh hưởng việc mua bán", Chủ tịch Vàng Phú Nhuận nói.
Thông tin thêm về vấn đề trên, bà Cao Thị Ngọc Dung cho hay, Vàng Phú Nhuận có 400 cửa hàng và là đơn vị bán sỉ nên vàng nguyên liệu được nhập từ nhiều nguồn, gồm nhà bán lẻ, người dân và từ các đại lý. Trong quá trình nhập hàng, công ty phải kê khai, rõ ràng về nguồn gốc, có những lúc có vàng nhưng công ty không dám mua vì nguồn gốc không rõ ràng.
Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ trang sức cũng chính là các khách hàng mua sỉ của Vàng Phú Nhuận.
Về vấn đề nguồn cung, Chủ tịch Vàng Phú Nhuận chia sẻ: “Trong 1 năm, chúng tôi sản xuất mười mấy tấn vàng mà biến động giá thì từng giờ, nên cái khó của người kinh doanh vàng là mua bao nhiêu, lúc nào để đảm bảo được giá vốn. Có những ngày chúng tôi chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất xuống, khi mình có 15 kg vàng nhưng cần 20 kg. Đây là một kỹ năng trong ngành kinh doanh vàng".
Chủ tịch Vàng Phú Nhuận nhấn mạnh, công ty sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động nhập nguyên liệu và kế hoạch bán hàng để có giải pháp phù hợp khi bất cứ biến động kinh tế, địa chính trị nhỏ nào cũng có thể tác động đến giá vàng.