Vàng Phú Nhuận (PNJ): Tiêu thụ yếu, lãi tháng 7 rơi xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm
Doanh nghiệp bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, vừa cho biết lãi ròng tháng 7/2023 ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022 trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi.
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2023 với doanh thu thuần đạt 2.364 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ trang sức này ghi nhận lãi ròng đạt 85 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Vàng Phú Nhuận cho biết đây mặc dù mức lãi ròng trong tháng 7 vừa qua là mức thấp nhất trong gần một năm trở lại đây trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, đà suy giảm của doanh thu so với cùng kỳ năm trước tiếp tục được thu hẹp, và lãi ròng được cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành hệ thống.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, Vàng Phú Nhuận ghi nhận tổng doanh thu thuần 18.823 tỷ đồng, giảm 9,2%, và lãi ròng đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Xét tăng trưởng doanh thu từng kênh, 7 tháng đầu năm nay, doanh thu trang sức bán lẻ của Vàng Phú Nhuận giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đại diện Vàng Phú Nhuận chia sẻ rằng mức giảm doanh thu bán lẻ của doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với mức giảm của thị trường chung nhờ việc tạo ra các sáng kiến kinh doanh và phương pháp tiếp cận thị trường hiệu quả để giữ chân khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới nhằm mở rộng thị phần.
Xem thêm: "Thế giới Di động (MWG): Doanh thu Bách Hóa Xanh lên mức cao nhất gần 2 năm trở lại đây" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đối với kênh bán sỉ, doanh thu 7 tháng đầu năm nay giảm tới 31,3% so với cùng kỳ năm 2022 do sức mua sụt giảm, các khách hàng doanh nghiệp giảm lượng đặt hàng. Nhưng Vàng Phú Nhuận cho biết kênh bán sỉ vẫn tiếp tục phát triển về lượng khách hàng mới.
Trong khi đó, doanh thu vàng 24K của Vàng Phú Nhuận ghi nhận tăng trưởng 1,2% trong 7 tháng đầu năm nay.
Xét về cơ cấu doanh thu, kênh bán lẻ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu 7 tháng đầu năm nay của Vàng Phú Nhuận tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 58,5%; theo sau là doanh thu từ vàng 24k (chiếm 30,4%) và doanh thu từ kênh bán sỉ (chiếm 9%).
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trung bình 7 tháng đầu năm nay của Vàng Phú Nhuận đạt 18,7%, so với mức 17,4% của cùng kỳ năm 2022. Về số lượng điểm bán, trong 7 tháng vừa qua, doanh nghiệp này mở mới 26 và đóng 5 cửa hàng thương hiệu PNJ; trong đó, thương hiệu PNJ Gold và PNJ Silver được hợp nhất vào 1 thương hiệu PNJ.
Tại thời điểm 31/07/2023, Vàng Phú Nhuận có tổng cộng 384 cửa hàng độc lập tại 55/63 tỉnh thành cả nước.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu PNJ đạt 78.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu PNJ đã giảm hơn 11% trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại các biến động kinh tế, lạm phát neo cao sẽ tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ các sản phẩm trang sức. Tuy nhiên, kể từ mức đáy hồi cuối tháng 5 vừa qua, cổ phiếu PNJ đã có nhịp phục hồi 11%.
Trong một diễn biến liên quan, quỹ đầu tư nước ngoài Dragon Capital vừa mua vào 1,2 triệu cổ phiếu PNJ trong ngày 1/8, nâng tỷ lệ sở hữu tại Vàng Phú Nhuận lên 9,14% (tương ứng 30 triệu cổ phiếu PNJ). Theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu PNJ, Dragon Capital có thể đã phải chi gần 95 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.