Vàng 'quay xe', khách bắt đáy, nhiều cửa hàng 'cháy' vàng nhẫn
Sau một thời gian miệt mài tăng giá, vàng bỗng quay ngoắt giảm tới 2 triệu đồng/lượng trong 1 ngày.
Sau khi liên tục giảm trong phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng chiều 13/3 tiếp tục giảm sâu. Đầu giờ chiều 13/3, giá vàng 9999 của SJC giảm thêm 700 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, về mức 80,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, tính từ đầu giờ sáng đến phiên chiều, giá vàng miếng SJC đã có 7 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, với mức giảm tổng cộng lên tới 2,5 triệu đồng. Đây là mức giá giảm kỷ lục trong một ngày, từ 82,5 triệu đồng/lượng kết phiên hôm qua đến thời điểm này còn 80 triệu đồng/lượng.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng lao dốc. Tính đến cuối giờ chiều 13/3, PNJ mua bán vàng nhẫn ở mức 67,1-68,4 triệu đồng/lượng; Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 67,43 – 68,93 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 68 – 69,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tiếp tục giảm nhẹ ở chiều mua vào và bán ra so với phiên sáng.
Giá vàng giảm sâu đã kéo nhiều khách hàng đến “bắt đáy”. Chiều 13/3, anh Nguyễn Vinh Hoàng – một khách hàng ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết thấy vàng giảm, anh đã đến cửa hàng vàng của PNJ gần nhà trong khu Linh Đàm, dự định mua 10 chỉ nhẫn tròn trơn, song cửa hàng “sạch sành sanh” không còn một nhẫn nào.
“Tôi thấy giá vàng đang có sóng, tranh thủ mua vào, đợi vàng lên lại sẽ bán ra kiếm chút lời, nhưng cửa hàng không có vàng để bán. Ngay cả vàng miếng JSC cũng chỉ còn 3 lượng, song do giá chênh lệch với thế giới cao nên tôi không mua. Nhân viên cửa hàng cho biết, từ nhiều ngày nay, lượng vàng nhẫn phân phối về cửa hàng cũng rất nhỏ giọt, nên gần như không có nguồn cung để phục vụ khách hàng”, anh Hoàng thông tin.
Giá vàng trong nước quay đầu giảm sâu khi giá vàng thế giới "bốc hơi" hơn 1% chỉ trong 1 ngày sau khi báo cáo công bố mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.
Giá vàng thế giới sáng 13/3 lao dốc, giảm mạnh. Thời điểm 9h sáng nay, giá vàng thế giới giao dịch tại 2158,15 USD/ounce, tương đương 66,17 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giao ngay có xu hướng điều chỉnh sau khi tăng vọt vào cuối tuần trước, có lúc lên đỉnh 2.195 USD/ounce. Đồng USD hồi phục nhẹ và áp lực chốt lời từ các quỹ ETF khiến mặt hàng kim loại quý chịu nhiều áp lực giảm.
Vàng chững lại trong bối cảnh các nhà đầu tư đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo, CPI tháng 2 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng 1 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu về lạm phát thường có ảnh hưởng lớn tới kỳ vọng của thị trường tài chính về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, FED sẽ sớm hạ lãi suất, qua đó khiến đồng USD suy yếu và đẩy giá vàng đi lên.
Ngược lại, nếu lạm phát còn ở mức cao, đồng USD sẽ tăng trở lại và vàng chịu áp lực giảm. Về trung và dài hạn, FED sẽ vào chu kỳ giảm lãi suất và mặt hàng kim loại quý sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ.
Dù vậy, thị trường thường phản ánh trước các kỳ vọng. Vàng đã tăng giá rất mạnh từ cuối năm 2023 và trong hơn 2 tháng đầu năm 2024. Khả năng tiếp tục tăng vọt của giá vàng không còn được đánh giá cao.
Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ còn tăng trong nửa cuối năm nhưng với tốc độ chậm. Nhiều khả năng, giá vàng sẽ đạt mức 2.200 USD/ounce.
Trước mắt, trong ngắn hạn, vàng có thể chịu áp lực bán chốt lời. Trên Kitco, Ole Hansen, chiến lược gia trưởng bộ phận hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết, dù lạc quan về triển vọng của vàng nhưng các nhà đầu tư nên nhạy cảm với vị thế đầu cơ hiện tại của thị trường.
Chuyên gia này lưu ý rằng, những nhà giao dịch đầu cơ có thể đảo ngược vị thế của họ rất nhanh nếu thị trường bắt đầu chuyển hướng.