Vàng Seo Bình bảo tồn và phát triển cây dược liệu bản địa
BHG - Những mảnh đất dốc, đất trống, đất trồng ngô kém hiệu quả trên vùng đất biên cương Pà Vầy Sủ (Xín Mần) giờ đã bao phủ bạt ngàn màu xanh của cây Đẳng sâm và Hoàng tinh hoa đỏ. Đây chính là mô hình trồng cây dược liệu liên kết với doanh nghiệp đang được đoàn viên Vàng Seo Bình (sinh năm 1993), thôn Seo Lử Thận triển khai, thực hiện mang đến nhiều hy vọng trong việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương, đồng thời góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân vùng biên.
Pà Vầy Sủ là một trong 4 xã biên giới của huyện Xín Mần. Toàn xã có 7 thôn bản, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều yếu tố như địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, thiếu đất canh tác... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã vẫn chiếm đa số, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi và canh tác bằng việc trồng ngô trên sườn núi… Thấu hiểu về những khó khăn, đoàn viên Vàng Seo Bình luôn trăn trở tìm lối đi để phát triển kinh tế thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Bên cạnh đẩy mạnh chăn nuôi, sau nhiều năm tìm hiểu anh đã mạnh dạn đưa cây dược liệu Đẳng sâm và Hoàng tinh hoa đỏ về trồng, nhân giống và phát triển. Anh Bình cho biết: Cây Đẳng sâm và Hoàng tinh đỏ là giống cây dược liệu quý, sở hữu nhiều công dụng vượt trội cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều năm qua người dân chưa chú trọng về giá trị cũng như phát triển giống dược liệu bản địa này, bởi lẽ không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Đầu năm 2021, anh Vàng Seo Bình được tham gia đoàn học tập, tham quan cơ sở đào tạo gắn với định hướng khởi nghiệp ở Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam do Huyện đoàn Xín Mần tổ chức tại huyện Vị Xuyên. Qua trao đổi, anh đã được Công ty tư vấn, giới thiệu, kết nối trong việc nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với nhu cầu thị trường và thế mạnh của địa phương. Nhận thấy điều kiện về đất đai, khí hậu ở Seo Lử Thận thích hợp để trồng và phát triển mô hình kinh tế từ cây dược liệu, nhất là nguồn giống cây có sẵn trong tự nhiên. Vì vậy sau chuyến học tập, định hướng khởi nghiệp, anh trở về Seo Lử Thận bắt đầu thực hiện nhân giống trồng cây Đẳng sâm và Hoàng tinh hoa đỏ.
Để cụ thể hóa ý tưởng thành hành động, anh đã tích cực tìm hiểu thêm các kiến thức về trồng, chăm sóc cây dược liệu. Những kiến thức, tư vấn từ buổi tham quan, học tập được anh ghi chép tỉ mỉ, cộng thêm kiến thức tìm hiểu trên mạng xã hội đã giúp cho việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu bản địa được thuận lợi hơn. Ban đầu từ một số cây giống được tìm ở rừng, anh đưa về trồng tập trung tại vườn nhà để dễ bảo vệ và chăm sóc, sau đó tiếp tục nhân giống. Đến nay, vườn dược liệu của anh đã trồng được hơn 0,6 ha cây Đẳng sâm và Hoàng tinh hoa đỏ. Sau hơn 1 năm, các giống cây dược liệu vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến cây Hoàng tinh hoa đỏ sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay. Đặc biệt, qua sự kết nối, liên kết với Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam, nên khi thu hoạch doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Hiện tại, cây Đẳng sâm và Hoàng tinh hoa đỏ nếu thướng lái thu mua tại vườn sẽ có giá bán trung bình từ 50 – 60 nghìn đồng/kg củ tươi.
Đoàn viên Vàng Seo Bình chia sẻ thêm: Pà Vầy Sủ là địa phương còn gặp khó khăn nhất tỉnh về mọi mặt. Dẫu vậy, đồng bào dân tộc Mông vẫn đoàn kết, kiên cường bám trụ giữ đất biên cương của Tổ quốc. Nếu mô hình trồng cây Đẳng sâm, Hoàng tinh hoa đỏ được phát triển thành công và quá trình liên kết với doanh nghiệp thuận lợi sẽ bảo tồn được nguồn dược liệu bản địa, cùng với đó góp phần phát triển kinh tế vườn hộ, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân ở thôn Seo Lử Thận nói riêng và xã Pà Vầy Sủ nói chung.