Vàng SJC giảm về mức 76 triệu đồng/lượng, USD tự do lại vượt mốc 25.000 đồng
Trong phiên giao dịch đầu tuần, hầu hết các hãng vàng trong nước đều có sự điều chỉnh. Tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại điều chỉnh trong khi trên thị trường tự do, giá USD bất ngờ tăng mạnh.
Giá vàng trong nước đồng loạt quay đầu
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 73,5 - 76 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước.
Chênh lệch giữa chiều mua và bán lại được thu hẹp ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy tâm lý e ngại rủi ro khi mua vào của các thương hiệu trước sự thay đổi của thị trường.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức hơn 15 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long BTMC sau khi tăng vọt, xác lập mức kỷ lục mới của giá vàng nhẫn đã điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, Bảo tín Minh Châu đang mua vào tại mức 64,08 triệu đồng và bán tại 65,18 triệu đồng mỗi lượng, giảm 70.000 đồng/lượng chiều mua và 100.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên trước. Dù điều chỉnh, hãng vàng này vẫn là nơi đang yết giá vàng nhẫn cao nhất thị trường.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tại SJC được điều chỉnh tăng lên 62,85 triệu đồng/lượng mua vào, 64,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên trước.
Trong tuần qua, NHNN đã có công văn số 345/NHNN-QLNH gửi Bộ Tài chính và công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cơ quan này phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24,” văn bản nêu rõ.
Giá vàng thế giới ổn định
Thị trường vàng quốc tế tiếp tục dao động trong khoảng biên độ hẹp trên mốc 2.020 USD/ounce khi mà kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất sẽ được giảm nhiều trong thời gian ngắn giảm xuống.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,01% lên 2.029,31 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,07% lên 2.030,7 USD/ounce.
Trong tuần qua, đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tuần, chỉ trên 2.000 USD/ounce sau khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm khác với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Phát biểu tại một sự kiện kinh doanh, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta một lần nữa khẳng định mục tiêu trước mắt của Fed là điều chỉnh chính sách làm sao để không bóp nghẹt tăng trưởng nhưng vẫn có thể khống chế lạm phát. Mặc dù có vẻ như lạm phát đang đi đúng hướng để quay trở lại với mục tiêu 2% của Fed, tuy nhiên ông Bostic vẫn đưa ra dự đoán phải đến quý III/2024, lãi suất mới bắt đầu được giảm.
Trong khi đó, ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed tại Chicago cho biết, cần phải có thêm dữ liệu về tình hình lạm phát mới có thể quyết định được thời điểm nào để cắt giảm lãi suất.
Song, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có cái nhìn tích cực về triển vọng dài hạn của vàng mặc dù cho rằng thị trường khó có thể bứt phá trong giai đoạn này do thông tin còn hạn chế.
Ông Naeem Aslam, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Zaye Capital Markets cho rằng, có vẻ như các nhà giao dịch vẫn đang cảm thấy thoải mái khi nắm giữ các loại tài sản rủi ro. Điều này có nghĩa con đường ít trở ngại nhất đối với thị trường vàng sẽ xuất hiện trở lại sau chu kỳ điều chỉnh.
Còn theo James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com nhận định, thị trường sẽ có nhiều biến động hơn sau khi vàng kiểm định lại mốc 2.000 USD/ounce. Ngoài ra, Stanley còn nhấn mạnh bất kỳ sự sụt giảm lớn nào đều là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể gom thêm hàng. Để làm được điều đó, các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ sự biến động của đồng USD bởi vì USD và vàng đã có mối liên hệ chặt chẽ trong thời gian vừa qua.
Trong tuần này, số liệu tăng trưởng kinh tế quý IV và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 12 của Mỹ sẽ là hai báo cáo quan trọng nhất được các chuyên gia kinh tế lưu ý. Theo đó, hai báo cáo kinh tế công bố trong tuần này có thể sẽ giúp nhà đầu tư xác định hướng đi của ngân hàng trung ương Mỹ cũng như hướng phản ứng của thị trường khi chính sách tiền tệ thay đổi.
Cả hai báo cáo đều sẽ thu hút sự chú ý của thị trường, đặc biệt là số liệu lạm phát vốn đang có xu hướng quay về mức mục tiêu 2% của nền kinh tế quyền lực nhất thế giới.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,14% xuống 103,12 điểm. Trái ngược với sự sụt giảm trên thị trường vàng, đồng USD đã có tuần lễ thứ hai lên giá liên tiếp nhờ vào những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng cắt giảm lãi suất đang bị ảnh hưởng.
Tỷ giá trung tâm ngày 22/1 được niêm yết ở mức 24.031 đồng/USD, giảm 6 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.829 - 25.233 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.330 đồng/USD (mua vào) và 24.700 đồng/USD (bán ra), giảm 15 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước.
Trên thị trường tự do, khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD lại tăng nóng, vượt mốc 25.000 đồng/USD ở chiều bán ra. Giá USD tự do ở chiều mua vào đạt 24.980 đồng/USD, trong khi bán ra ở mức 25.080 đồng/USD.