Vang tiếng đờn ca tài tử Nam Bộ giữa thủ đô

Những CLB đờn ca tài tử Nam Bộ và CLB hâm mộ sân khấu cải lương tại Hà Nội đã góp phần làm nên diện mạo của bộ môn nghệ thuật độc đáo này tại thủ đô

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam Bộ nhưng tại thủ đô Hà Nội, bộ môn nghệ thuật dân dã này đã có sức lan tỏa sâu, rộng, hình thành nhiều câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Nam Bộ và CLB hâm mộ cải lương, đang phát triển lớn mạnh.

Quyết theo kịp miền Nam

Không quá náo nhiệt nhưng mỗi ngày, từng điệu bắc điệu nam vẫn vang lên trên phố cổ của thủ đô. Theo NSND Xuân Vinh, Nhà hát Cải lương Việt Nam, có hơn 30 CLB ĐCTT và CLB hâm mộ cải lương đã hình thành từ đầu năm 2019. Giữa cuộc sống ồn ào, tấp nập của phố cổ Hà Nội, bất cứ ai nếu có năng khiếu và lòng say mê ca hát cũng có thể đến đăng ký, luyện tập và được biểu diễn. Họ đã tạo thêm thị phần biểu diễn, giao lưu cho nghệ sĩ hai miền.

Hai NSND Thanh Tuấn, Minh Vương giao lưu biểu diễn tại CLB Đờn ca tài tử Bích Dậu

Tự hào có hai thí sinh khu vực Hà Nội vào tốp 10 vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 14-2019 do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức, chị Bích Dậu, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Bích Dậu, nói: "Phong trào nuôi dưỡng đam mê và biểu diễn nghệ thuật cải lương ở Hà Nội quyết theo kịp miền Nam. Từ sân chơi này, chúng tôi giới thiệu đến khán giả những giọng ca trẻ, những ngón đờn của các nghệ nhân yêu say đắm ĐCTT Nam Bộ, đồng thời tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn để người hâm mộ đến với CLB được xem các nghệ sĩ tài danh miền Nam biểu diễn cùng các thành viên của CLB".

Chúng tôi được xem chương trình giao lưu của CLB ĐCTT Bích Dậu ngay trong tối hai nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn đón nhận danh hiệu NSND tại Hà Nội. Khán giả hồ hởi, các thành viên của CLB càng tự hào khi mời được hai danh ca từ miền Nam ra giao lưu, biểu diễn.

Thật sự thán phục, hầu hết các tiết mục trong chương trình giao lưu của các CLB đều nhuần nhuyễn, nhiều diễn viên biểu diễn rất bài bản chuyên nghiệp. NSND Minh Vương đã song ca với chị Bích Dậu bài "Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà", NSND Thanh Tuấn song ca với chị Minh Liên trích đoạn "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn".

Tiếng vỗ tay rầm rầm sau mỗi tiết mục. Nhiều người phải công nhận rằng những nghệ sĩ không chuyên miền Bắc đã thể hiện được khả năng ca diễn và tình yêu cải lương của mình. Người xem rất ấn tượng với giọng ca của doanh nhân Thế Song khi anh đóng vai vua Trần trong trích đoạn "Luận anh hùng" và giọng ca của chị Xuân Hồng biểu diễn bài tân cổ "Tâm tình anh lính đảo xa". Giọng ca của chị Bích Dậu biểu diễn bài hát "Trăng nước quê em"… Riêng diễn viên Song Hồng đạt cả thanh lẫn sắc, được Nhà hát Cải lương Hà Nội tuyển thẳng vào hạng chuyên nghiệp.

Niềm đam mê hội tụ

Sau nhiều thử nghiệm nhằm thu hút lượng khán giả đến với cải lương đông hơn, như biểu diễn chương trình nghệ thuật thử nghiệm tiếng Anh chẳng hạn, Nhà hát Cải lương Hà Nội lại khuấy động sân khấu này bằng việc đưa diễn viên không chuyên lên sân khấu với mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa. Được thực hiện bởi sự tham gia diễn xuất của chính khán giả yêu mến cải lương.

Du khách đến phố cổ Hà Nội cũng đến xem, cổ vũ và thích thú khi biết được nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh, sức lan tỏa của nó vượt ra khỏi nơi sinh ra, vươn tới tận thủ đô. Để thực hiện quyết tâm của mình, từng CLB đã mời nhiều nghệ nhân đàn giỏi về dạy cho các thành viên. Đến hôm nay những CLB như: Hoa Mai, Minh Long, Thúy Mơ, Lai Châu, Mê Linh… ngày càng có đông du khách các nước tham dự và các diễn viên không chuyên ca diễn rất ngọt ngào.

Được biết, chương trình "Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội" là kết quả hoạt động của CLB ĐCTT của Nhà hát Cải lương Hà Nội nhằm hội tụ những thành viên là những người yêu thích ĐCTT Nam Bộ và sân khấu cải lương. "Họ là những công chức, viên chức, giáo viên, nhà khoa học, doanh nhân, người làm nghề tự do, buôn bán… mỗi người mỗi nghề, mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người ở ngay nội đô, người ở ngoại thành cách nơi diễn dăm bảy chục cây số, có người rất tự tin khi đăng ký và tham gia luyện, tập, chuẩn bị, có người rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin… nhưng tất cả đều nhiệt tình, say mê cải lương. Chỉ sau 5 buổi luyện tập họ đã có thể đứng trên sân khấu. Nhất là được song ca, song diễn với các nghệ sĩ trong miền Nam" - NSND Xuân Vinh cho biết.

Theo mô hình này, cứ mỗi tháng, tại một CLB có lịch diễn hẳn hoi, nghệ sĩ trong miền Nam được mời ra biểu diễn. Khán giả đến ngày càng đông.

Do là CLB tự nguyện, mang tính xã hội hóa nên mỗi tháng hội viên sẽ đóng góp 500.000 đồng/người để lấy kinh phí hoạt động. Định kỳ một tháng 2 lần các CLB tổ chức biểu diễn ở quy mô nhỏ vào tối chủ nhật. Nếu số lượng đông, số lần biểu diễn có thể tăng lên. Với cách làm như vậy, mỗi CLB ĐCTT Nam Bộ và CLB hâm mộ sân khấu cải lương tại Hà Nội đã góp phần làm nên diện mạo của bộ môn nghệ thuật độc đáo này tại thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thúc đẩy phong trào nghệ thuật không chuyên

NSND Minh Vương nhìn nhận: "Xuất phát từ nhiều mục đích như đi tìm công chúng mới cho nghệ thuật cải lương, đáp ứng nhu cầu không nhỏ của một bộ phận công chúng yêu mến nghệ thuật cải lương, có nguyện vọng được ca, diễn với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, theo tôi, thông qua các CLB này, chúng ta có thể tìm kiếm tài năng trẻ để bồi dưỡng phát triển. Quan trọng hơn, những hoạt động này góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa nghệ thuật không chuyên, tiếp cận với việc xã hội hóa sân khấu".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/vang-tieng-don-ca-tai-tu-nam-bo-giua-thu-do-20190904091654837.htm