'Vầng trăng Him Lam' khắc họa đậm nét hình tượng người nghệ sĩ và chiến sĩ
'Vầng trăng Him Lam' (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2023) là tác phẩm mới nhất mà nhà văn Châu La Việt mới hoàn thành tại Trại sáng tác văn học về đề tài 'Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang' năm 2023. Đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu- lịch sử mà nhân vật trung tâm chính là nhạc sĩ tài danh Đỗ Nhuận.
Châu La Việt thuộc kiểu nhà văn cầm súng (người lính chiến thực thụ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước) trước khi cầm bút viết văn. Với anh, chiến tranh dường như chưa kết thúc trên mỗi trang viết, tác phẩm (đủ các thể loại thơ, trường ca, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết). Thuộc lớp nhà văn từng khoác áo lính, anh viết theo sự chỉ dẫn của “ký ức lương thiện” như cách diễn đạt của nhà văn Nga tài danh I.Bondarev (1924-2020), tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng về chiến tranh, trong đó có "Tuyết nóng" đã dịch sang tiếng Việt, đã chia sẻ: “Có người ký ức là sự trừng phạt. Có người ký ức là sự lương thiện. Tôi thuộc loại sau”.
Tuy viết nhiều thể loại, song theo tôi, tiểu thuyết vẫn là sở trường, là “căn cước văn chương” của Châu La Việt. Những cuốn tiểu thuyết xuất bản gần đây của anh được độc giả đón nhận: “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng” (2014), “Chim vẫn hót cúc cu bên đồi” (2014), “Triền dâu xanh ngát” (2016), “Lửa sáng phía chân trời” (2019), “Người mẹ và cánh rừng” (2022).
Và mới nhất là “Vầng trăng Him Lam” (tác phẩm hoàn thành trong Trại sáng tác “Đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang” do Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng, 8/2023).
Nhân vật chính, trung tâm của tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” chính là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một hình tượng văn học thành công biểu trưng cho “cuộc đời nghệ thuật của một du kích cầm đàn”. Nhà văn “cưa lấy một khúc” chính trong cuộc đời của một nhạc sĩ thời đại cách mạng của một nghệ sĩ - chiến sĩ trong ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc nhất của những từ này.
Tiểu thuyết mở ra một thời gian khoảng chừng một phần tư thế kỷ (từ đầu những năm bốn mươi đến cuối những năm 60 thế kỷ 20). Từ một “người tù Sơn La”, tiếp đến trường kỳ trên con đường thiên lý dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng, trực tiếp tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhưng với nhà tiểu thuyết thì anh ta có cái quyền lựa chọn những bước ngoặt, những biến cố ở đó tạo ra hoàn cảnh điển hình để xây dựng tính cách điển hình, khắc họa số phận nhân vật với tất cả những phương diện khác nhau của đời sống chung - riêng, thân - tâm, con người tự nhiên - con người xã hội - con người tâm linh - con người nghệ thuật...
Xây dựng nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, Châu La Việt chú ý đến cơ chế “nhân cách” (một khái niệm rộng và sâu hơn “tính cách”) của Đỗ Nhuận với hai bình diện có ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật: con người công dân và con người nghệ sĩ trong một cá thể (cá nhân) đã hình thành và phát triển theo đường hướng nào và cần thiết được xem xét và giải mã từ các nhân tố văn hóa - lịch sử - xã hội - quê hương - gia đình nào, bởi vì “Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội và tự nhiên”. Trong trường hợp này, phương pháp “Địa - Văn hóa” đã giúp nhà văn “nhìn ra” cội nguồn bình sinh sức mạnh tinh thần và bẩm sinh tài năng nghệ thuật của một nghệ sỹ (âm nhạc) tương lai.
Đại văn hào Nga thế kỷ XIX, L.Tolstoy đã viết: “Thiên tài, đơn giản chỉ là mười phần trăm thiên bẩm, còn lại chín mươi phần trăm là do kiên nhẫn rèn luyện trong lao động thực tiễn”. Nhân tài, mặt khác được nhận thức như là một “hằng số” có tính bất biến. Trong đó nhân tố truyền thống văn hóa (đất nước, quê hương, gia đình, dòng họ, nhà trường) chiếm vị trí quan trọng. Khí chất của nhân tài sẽ được bộc lộ trong những trạng huống (xét về thời gian và không gian) đặc trưng nào đó. Châu La Việt đã “khôn khéo” chọn không gian chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh chiến dịch Trần Đình) để làm một thí nghiệm “lửa thử vàng gian nan thứ sức”.
Theo cách nhìn của bạn bè quốc tế thì “Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam”. Khi chúng ta ra nước ngoài những danh từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” có thể thay thế sự tự giới thiệu mình đến từ đâu. Với thế hệ như nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì Điện Biên Phủ là một “thước đo”, “mức xà” để đánh giá sức bật (nội lực “vượt gộp” được coi như một phẩm tính văn hóa của con người phát triển) của nghệ sĩ trong sống và sáng tác. Điện Biên Phủ cũng là cơ hội để thế hệ văn nghệ sĩ như Đỗ Nhuận thực hành phương châm “Sống rồi hãy viết”. Tựa như sau này nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình” (Nước non ngàn dặm).
Về phương diện nghệ sĩ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và thế hệ như ông qua thực tiễn đã biết nhận một chân lý giản dị “Cái đẹp chính là đời sống”. Tất cả những sáng tác (nhạc phẩm) của Đỗ Nhuận không tự dưng mà có (như thể là trên trời rơi xuống, hay tự dưới đất mọc lên). Sự ra đời của nhạc phẩm “Du kích Sông Thao” là một thí dụ trong nhiều thí dụ. Nó chứng minh quy luật của nghệ thuật là quy luật của trái tim. Lý lẽ của nghệ thuật là lý lẽ của trái tim. Nghệ thuật chân chính phát khởi từ đời sống và trở về phục vụ đời sống theo nguyên lý “chân - thiện - mỹ”. Tác giả đã dùng cái uy quyền của mình để tập trung rọi ánh sáng cực mạnh vào “moment” (thời khắc) độc sáng khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác thành công khúc tráng ca “Giải phóng Điện Biên”. Đó cũng là một cách gói lại câu chuyện về cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận,.
Tác giả đã dừng cuốn tiểu thuyết ở tiết đoạn cuối cùng - bối cảnh ra đời nhạc phẩm “Các cụ già bắn rơi máy bay” kể về chiến công của các lão dân quân ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bắn rơi hai máy bay Mỹ (vào 2 ngày 14 và 24-10-1967). Di sản âm nhạc phong phú và tinh hoa của nghệ sĩ Đỗ Nhuận minh chứng cho quan điểm: “Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (J.P.Sartre).
Về phương diện “con người” của nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Châu La Việt không tô vẽ, trái lại đã kể chân thực về câu chuyện tình yêu (lấy vợ, xây dựng gia đình với người phụ nữ có tên Túc, cuộc sống riêng tư đời thường...). Ở đây nguyên lý “Cái đẹp là sự giản dị” được tác giả vận dụng tối đa khi kể câu chuyện đời thường của một nhạc sĩ tài danh trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhưng khi miêu tả cái “tình” của nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi thấy, nhà văn đặc biệt quan tâm tới “tình đồng bào, đồng chí”. Đó là mối tình thâm, cao tới nhân nghĩa. Nó khác hẳn thứ tình cảm khá phổ biến bây giờ là “tự ngã trung tâm” (vị kỷ).
Có một cách tiếp cận “con người” Đỗ Nhuận với ý nghĩa là một nhân vật/ tính cách văn học – khi nó được biểu hiện ở trong sinh hoạt đời thường, Đỗ Nhuận được gọi vui (và cũng tự nhận mình) là “Đỗ Nhộn”. Hẳn đây là con người lạc quan, yêu đời, giàu cảm hứng tương lai và là người tuân theo triết lý sống “lão thực”. Do đó, Châu La Việt tránh được lối viết “tạc tượng” nhân vật mình (và bạn đọc) yêu quý. Chính nhờ thế, giới phê bình và người đọc có nhận xét chung về văn Châu La Việt giàu chất “đời” (ròng ròng sự sống).
Nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận được nhà văn “trồng” trên một cái nền rộng và vững chắc - nhân vật “tập thể”, “nhân dân”. Trên nền rộng nhân dân chúng ta thấy “người người lớp lớp” dân thường (đồng bào các dân tộc) - du kích - bộ đội - thanh niên xung phong... Tất cả hướng về tiền tuyến, tất cả vì thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập tự do đất nước.
Lung linh phát sáng hào quang Nhân dân là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đồng chí tuyệt vời của Người như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Có thể nói Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là cái nền có tính sử thi của cuốn tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam”. Vậy là, Châu La Việt đã khéo léo phối kết hợp trong tiểu thuyết mới của mình “nhân vật trung tâm” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) và nhân vật Nhân dân với nghĩa “Nhân dân là bể / Văn nghệ là thuyền” như nhà thơ Tố Hữu đã viết làm Đề từ trong tập thơ Việt Bắc (1947-1954).
Ưu điểm này duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả nghệ thuật cao trong sáu cuốn tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang của Châu La Việt trước đây.
Xét về hình thức thể loại, “Vầng trăng Him Lam” là “tiểu thuyết tư liệu - lịch sử”. Dẫu thế, trong quá trình viết, nhà văn cũng không bị gò bó, hạn chế trong “vòng kim cô” của nguyên tắc “phi hư cấu”. Trí tưởng tượng, năng lực hư cấu vẫn có đất dụng võ khi nhà văn thâm nhập vào thế giới tâm hồn, tâm linh con người vốn luôn luôn là một “tiểu vũ trụ”.
Cách đây chưa lâu, trên văn đàn xuất hiện “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh, một cuốn tiểu thuyết đã trình ra uy quyền của tư liệu - lịch sử về chiến tranh. Tác phẩm đã nhận cú đúp Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Tiểu thuyết tư liệu - lịch sử đang có đất sống, đang hứa hẹn và triển vọng. Cách viết của Châu La Việt trong “Vầng trăng Him Lam”, nói một cách hình ảnh là đã kiên trì “bấu chặt lấy đời sống” để kiến thiết tác phẩm (từ ý tưởng sáng tác, huy động chất liệu, xây dựng bố cục, bài binh bố trận từng chương đoạn...).
Xét đến cùng thì tinh thần “ôn cố tri tân” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sáng tác của Châu La Việt nói chung, và đậm đặc trong “Vầng trăng Him Lam” nói riêng Tôi nghĩ, viết theo động hướng tinh thần này chính là thực hành nguyên tắc “Viết để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”.