Văng vẳng lời ru buồn tảo hôn ở Đắk Glong

Mặc dù được chính quyền, các ngành chuyên môn tuyên truyền, tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình, nhưng tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.

Xã Quảng Hòa (Đắk Glong) là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào các DTTS phía Bắc vào sinh sống và cũng là nơi có số trường hợp tảo hôn cao nhất của huyện. Qua khảo sát, tại địa bàn xã, bình quân mỗi năm có khoảng 10 cặp trai gái lấy nhau trước 18 tuổi. Độ tuổi của trai gái lấy nhau đa số từ 13- 15 tuổi với tỷ lệ trên 70%, số còn lại là từ 16- 17 tuổi.

 Tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn ra nhiều

Tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn ra nhiều

Trường hợp em S. Th. X ở thôn 12, xã Quảng Hòa là một ví dụ về trường hợp lấy chồng khi mới bước sang tuổi 14. X đang là học sinh lớp 8, nhưng phải bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Nhà có 7 anh em, X là đứa con lớn thứ hai trong gia đình. Vì đông anh em, gia đình khó khăn, nên những ngày nghỉ học, X phải vào rừng lấy măng, hái lá rừng đem về bán lấy tiền mua sách vở, đồ dùng học tập.

Thời điểm thiếu thốn, X phải đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Do vậy, việc học tập bị ảnh hưởng, X nghỉ về nhà trông em, đi làm rẫy. Chỉ sau 6 tháng nghỉ học, X quen biết với một thanh niên trong xã và lấy làm chồng. Biết không đủ tuổi, cả hai gia đình chấp thuận cho X về nhà chồng ở, chứ không làm thủ tục kết hôn hay tổ chức đám cưới.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đời sống của người dân nơi đây chưa được cải thiện, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đông con. Vì vậy, nhiều em đang học phải nghỉ học để làm thêm phụ giúp gia đình. Một số gia đình khác, vì đông con, các em còn nhỏ nên con đầu chỉ mới 12 tuổi đã phải nghỉ học để làm rẫy, trông em cho bố mẹ. Những trường hợp sau khi nghỉ học, chỉ trong thời gian ngắn cũng đi đến hôn nhân khi chưa đủ tuổi.

Hoặc là, trong các dịp lễ hội truyền thống, dịp Tết, một số em gái còn là học sinh gặp bạn trai kết thân, sau đó lén lút gia đình gặp gỡ, đi chơi. Qua những lần hẹn hò, đi chơi, nhiều em đã có thai ngoài ý muốn. Trước sự đã rồi, gia đình các em lặng lẽ chấp thuận cho con nghỉ học để lấy nhau khi chưa đủ tuổi.

Ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: “So với 4 năm trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn giảm khoảng 50%, chỉ còn 10 trường hợp. Ngoài những nguyên nhân nghỉ học, kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức của một số người dân còn thấp nên vẫn đồng ý cho con cái lấy chồng, lấy vợ sớm so với độ tuổi quy định. Mỗi năm, địa phương tổ chức 20 đợt tuyên truyền, phát thanh hàng ngày trên loa cho thanh thiếu niên, người dân hiểu biết về sức khỏe, giới tính, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn”.

Tương tự, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) cũng có trường hợp tảo hôn khá cao. Nhiều em gái chỉ mới 17 tuổi, chưa có kinh nghiệm cuộc sống đã có 2 mặt con. Từ đó dẫn đến cuộc sống khó khăn và nảy sinh các vấn đề mâu thuẫn phức tạp...

Qua thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong năm 2020, huyện Đắk Glong có 49 trường hợp tảo hôn; huyện Tuy Đức có 23 trường hợp và huyện Krông Nô 20 trường hợp.

Theo Ban dân tộc tỉnh, hàng năm, đơn vị cùng chính quyền các cấp nỗ lực tuyên truyền cho người dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu biết về hậu quả của tảo hôn, về sức khỏe giới tính. Riêng năm 2020, đơn vị đã tổ chức 79 đợt tuyên truyền, với gần 6.400 người dân tham gia. Công tác tuyên truyền đã có tác dụng hạn chế số trường hợp tảo hôn so với trước đây. Thời gian tới, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề tảo hôn.

Phạm Khánh

2,360

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/vang-vang-loi-ru-buon-tao-hon-o-dak-glong-85437.html