Vang vọng một khúc hoan ca

Bài thơ “Gởi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng” của nhà thơ Gia Ninh viết ngày 3-4-1975 và in trên Báo Nhân Dân ngày 6-4-1975 có thể được xem là bài thơ xuất bản đầu tiên sau ngày Khánh Hòa giải phóng. 50 năm đọc lại bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, vẫn dâng tràn nhịp điệu hoan ca và nghe thiết tha một miền cảm xúc sâu đậm của tác giả dành cho vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa.

Tiếng reo vui tha thiết

“Nha Trang ơi! Thành phố biển thân yêu với những ngọn gió lành tăng thêm tuổi sống/Sau 30 năm xa cách ta lại gặp nhau rồi/Tiếng súng giải phóng về đây hòa âm cùng tiếng sóng/Vang vọng từ ghềnh cao đèo Cả đến hang sâu con sò huyết Ba Ngòi”...

Một phần bài thơ “Gởi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng” in trên Báo Nhân Dân ngày 6-4-1975. (Ảnh tư liệu)

Một phần bài thơ “Gởi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng” in trên Báo Nhân Dân ngày 6-4-1975. (Ảnh tư liệu)

Mở đầu với tiếng gọi vui mừng của một cuộc hội ngộ lớn lao, bài thơ tuôn tràn những lời kể chân tình tác giả dành cho mảnh đất mà mình yêu quý trong thời khắc lịch sử đặc biệt. Tác giả gọi tên dồn dập một loạt địa danh thân quen của Khánh Hòa theo niềm xúc động dâng cao: Đèo Cả, Ba Ngòi, Tháp Bà Ponagar, Rù Rì, Hòn Nội, Hòn Ngoại, Cam Ranh… Trong đó, có những câu thơ trìu mến “cận cảnh” hơn cho Nha Trang với những: Cù Lao, xóm Bóng, sông Cái, đường phố Cây Bàng, Cây Me, Cầu Đá, Hải Học viện…

Đó là tiếng reo vang dâng lên cao trào nhưng có lúc lại trầm lắng thiết tha theo cảm giác bay bổng lâng lâng, không thể kìm nén, được ghi lại bởi những câu thơ phóng khoáng như không câu nệ độ ngắn dài: “Tôi bỗng thấy mình chắp cánh bay về Nha Trang cùng vào thành phố/Vượt sông Cái, sải bước dài trên những đường phố chính, Cây Bàng, Cây Me…/Về Cầu Đá, nhìn lại Hải Học viện với hàng trăm giống cá diệu kỳ/Đến tận những làng dừa lóc cóc tiếng reo vui tiếng vó xe thổ mộ…”.

Bài thơ còn là khúc hát ca ngợi chiến công của người dân Khánh Hòa: “Cả những ngọn sóng thần cũng theo sóng lớn nhân dân trở mình quật khởi…”; “Tình quê hương của bao liệt sĩ anh hùng, của Trần Quý Cáp - 30 năm vẫn ngẩng cao đầu, bất khuất!”. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho Nha Trang - Khánh Hòa với sự hòa âm của tiếng sóng, tiếng gió biển, những cù lao óng ánh khơi xa, “Những thềm san hô lấp lánh, những đảo xa tổ yến trắng ngời/Những rừng cao su, rừng căm xe, mun, trắc/Những cánh đồng giêng hai bạt ngàn thức giấc…”.

50 năm đọc lại bài thơ, chúng ta vẫn nghe “Gởi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng” vang vọng khúc hoan ca hào sảng có sức lay động lòng người qua bề dày thời gian. Có thể nói đây là tác phẩm đáng trân trọng, xứng đáng có một vị trí trong các tuyển tập thơ văn của tỉnh Khánh Hòa.

Về tác giả Gia Ninh

Theo tư liệu của Báo Nhân Dân, nhà thơ Gia Ninh sinh năm 1917, quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình), là con trai cụ cử nhân Hán học Phạm Gia Khánh. Gia Ninh đã sớm rời quê vào học tập tại xứ sở sông Hương, núi Ngự. Câu thơ: "Em bé xưa đi mãi/chưa về thăm sông Gianh", một câu thơ chứa chất nỗi ly hương của ông.

Họa sĩ Văn Bình, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà báo Phan Quang, nhà thơ Gia Ninh (từ trái sang phải). (Ảnh tư liệu chụp năm 1949)

Họa sĩ Văn Bình, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà báo Phan Quang, nhà thơ Gia Ninh (từ trái sang phải). (Ảnh tư liệu chụp năm 1949)

Ở Huế, Gia Ninh học cùng Huy Cận. Học ở Huế, không ít người Quảng Bình làm thơ. Trước Gia Ninh, đã có Lưu Trọng Lai (tức Lưu Kỳ Linh), anh ruột Lưu Trọng Lư, rồi đến Lưu Trọng Lư và Nguyễn Trọng Trí (tức Hàn Mặc Tử). Mỗi người đến với thơ bằng một con đường khác nhau.

Năm 1938, có bài thơ "Tâm hồn vô giới" được in trên tờ "Ngày nay" với lời giới thiệu của Thạch Lam. Bài thơ tuy không lọt vào "mắt xanh" của Hoài Thanh - Hoài Chân để có mặt trong tập "Thi nhân Việt Nam" như các nhà thơ Quảng Bình khác là: Lưu Kỳ Linh, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư nhưng vẫn có thể xem Gia Ninh như một trong những nhà thơ đáng chú ý của Quảng Bình ngay từ những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Là nhà thơ lãng mạn nhưng Gia Ninh tham gia kháng chiến chống Pháp bằng những việc làm rất đời thường. Ông từng làm biên tập viên các báo "Kháng chiến khu 4", "Cứu quốc Liên khu 4". Những năm chống Mỹ, cứu nước, Gia Ninh đảm nhiệm biên tập thơ trên Báo Nhân Dân. Công tâm và hết lòng, Gia Ninh đã phát hiện ra nhiều nhà thơ của thế hệ này. Nhưng riêng ông rất dè dặt giới thiệu mình. Sau tập "Lớn lên" (Nhà xuất bản Văn học - năm 1962), phải hơn hai mươi năm sau, Gia Ninh mới ra tập thứ hai là "Thời gian gọi" (Nhà xuất bản Tác phẩm mới - năm 1983) và mãi đến 1995, ông mới ra "Tuyển tập Gia Ninh" (Nhà xuất bản Văn học - năm 1995). Ông có những bài thơ rất thời sự, tiêu biểu là: “Đêm nghe lời kêu gọi kháng chiến” và “Gởi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng”.

Theo tư liệu của Báo Nhân Dân, nhà thơ Gia Ninh từng là cán bộ tuyên truyền từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông đã từng đảm nhận chức Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Khánh Hòa, quyền Giám đốc Sở Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ. Tuy nhiên, tư liệu về việc ông làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Khánh Hòa trong thời gian nào thì lại không có thông tin chi tiết. Chúng tôi đang cố gắng phối kiểm các nguồn tư liệu và sẽ trở lại câu chuyện nhà thơ Gia Ninh với Khánh Hòa khi có dịp.

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/vang-vong-mot-khuc-hoan-ca-a9472e7/