'Vành đai thép' phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới - Bài 1: Vững vàng nơi tuyến đầu
Các chiến sĩ 'quân hàm xanh' không quản khó khăn, gian khổ thực hiện nhiệm vụ kép bảo vệ biên cương Tổ quốc và phòng, chống dịch COVID-19, trở thành 'vành đai thép' giữ vững vùng xanh, bảo đảm an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết với chủ đề 'Vành đai thép' phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới.
Bài 1: Vững vàng nơi tuyến đầu
Các chốt trực của lực lượng Bộ đội Biên phòng đều đóng tại vùng hẻo lánh, xa trung tâm xã. Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ về điều kiện ăn ở, sinh hoạt để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Kiên cường vượt khó
Tỉnh Lai Châu có 265.165 km đường biên giới, tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc. Địa bàn tỉnh có 13 Đồn Biên phòng đứng chân tại các xã biên giới. Đến cuối tháng 2/2022, lực lượng Biên phòng vẫn duy trì 37 chốt trực. Các chiến sĩ trực chốt 24/24 giờ, thay phiên tuần tra ngày, đêm để kiểm soát người, phương tiện ra vào nơi biên giới, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép...
Men theo con đường đất nhỏ, quanh co, gập ghềnh, chúng tôi tới các chốt trực thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ). Các chiến sĩ tại chốt trực cho biết, những ngày đầu chống dịch, chỉ có những lán tạm, nhà tạm trống trải. Hiện nay, chốt trực đã được kiên cố hóa phục vụ nhiệm vụ chống dịch lâu dài. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, ban ngày nắng nóng như thiêu đốt, đêm xuống nhiệt độ hạ thấp. Có những điểm chốt ở trên cao gần 2.000m, bốn mùa đều mây bao phủ, lạnh giá.
Trung úy Đỗ Văn Cương, quê tại Hưng Yên, ở chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng chia sẻ, chốt được kiên cố hóa giúp các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ. Trước kia, mỗi khi mưa to, gió lớn mái bạt bị tốc, chăn màn, quần áo của cán bộ, chiến sĩ ướt hết, không có chỗ ngủ... Khó khăn là thế nhưng các chiến sĩ vẫn luôn động viên nhau cùng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Truyền ở chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lu Thàng cho biết, trong hành trang tuần tra của các chiến sĩ luôn có chiếc túi ngủ. Khi cần, các chiến sĩ có thể nằm ngủ ngay giữa rừng để làm nhiệm vụ, bất kể thời tiết thế nào.
Vì nhiệm vụ chung mà Đảng và nhân dân giao phó, không ít chiến sĩ Biên phòng sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân. Thượng úy Tẩn Lở Tông - Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ bộc bạch: Dù đám cưới đã được chuẩn bị nhưng chúng tôi vẫn lựa chọn hoãn cưới vì thời gian tham gia chốt trực không thể rời đơn vị. Chúng tôi ở tuyến đầu càng cố gắng bao nhiêu hậu phương càng được bảo vệ an toàn. Chỉ cần mọi người ở nhà chung tay, tin tưởng, động viên, chờ chúng tôi trở về.
Hai năm trôi qua kể từ những ngày đầu thành lập chốt trực (tháng 2/2020), bao gian khó đã trải qua nhưng các chiến sĩ Biên phòng Lai Châu không chùn bước mà xác định bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia cùng với chống dịch là nhiệm vụ lâu dài, kiên trì, bền bỉ.
Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai ứng trực, căng mình chống dịch. Chủ trương của Bộ đội Biên phòng tỉnh là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn từ bên kia biên giới; xác định nâng cấp độ nghiêm ngặt trên một cấp so với chỉ đạo của Chính phủ; khắc phục mọi khó khăn để chống dịch lâu dài.
“Tiếng loa Biên phòng” chống dịch
Để người dân hiểu và làm theo, nhiều Đồn Biên phòng đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt trong vận động, tuyên truyền nhân dân phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn dân, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã chỉ đạo Đội Vận động quần chúng phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng” tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19. Các cán bộ, chiến sĩ thực hiện tuyên truyền bằng loa kết hợp với phát tờ rơi tại từng nhà dân hoặc nơi tập trung đông dân cư. Đồng bào ở các bản biên giới dù trình độ dân trí còn chưa đồng đều nhưng đã thực hiện nghiêm túc quy định, hạn chế đến nơi công cộng, tạm hoãn các đám cưới, đám giỗ, lên nhà mới, ăn uống tập trung… Qua đó, góp phần hạn chế việc lây nhiễm và gia tăng số lượng F0 trong cộng đồng làng bản.
Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông khẳng định, các chiến sĩ đã toàn tâm, toàn lực thực hiện nghiêm túc chủ trương chung là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị, địa bàn tỉnh từ bên kia biên giới.
Có những chiến sĩ cắm chốt nơi biên giới, cả thanh xuân dành cho mảnh đất biên viễn Lai Châu. Với họ, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc vùng biên là người thân ruột thịt. Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên, Tổ trưởng tổ trực chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng là một người như thế. Anh đã gắn bó với vùng biên giới Lai Châu 32 năm.
Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy Trưởng bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ Lý Dâu Phùng gọi Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên là “thầy giáo”. Hỏi ra mới biết, ngoài giờ hành quân, tuần tra đường biên, mốc giới, Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên trở thành thầy giáo "quân hàm xanh" trong những lớp học xóa mù chữ ở vùng đất xa xôi này. Chính vì vậy, việc các chiến sĩ đồn Biên phòng tuyên truyền cho bà con dân bản về phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn, góp phần giữ vững vùng xanh nơi biên cương Tổ quốc.
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn cho biết, các Đồn Biên phòng dọc tuyến đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Vương Thế Mẫn khẳng định, toàn dân và các lực lượng đã chung tay phòng, chống COVID-19 rất hiệu quả. Trong đó, Biên phòng là lực lượng chủ chốt, tuyến đầu trong phòng, chống dịch tuyến biên giới.