'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt
Một số quốc gia quyết định từ bỏ những dự án hạ tầng quy mô lớn - lên đến hàng tỷ USD - thuộc sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, trong cuộc họp đại hội cổ đông vào tuần tới, Nucleelectrica - tập đoàn năng lượng hạt nhân Romania - sẽ tuyên bố chấm dứt đàm phán về thỏa thuận xây dựng hai lò phản ứng với đối tác Trung Quốc.
Chính phủ Romania - sở hữu 80% cổ phần Nuclearelectrica - quyết định ngừng hợp tác với phía Trung Quốc. Hồi năm 2015, Nuclearelectrica và Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN) đạt thỏa thuận xây 2 lò phản ứng.
Theo đó, CGN sở hữu ít nhất 51% dự án. Đây được xem là một dự án quan trong thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây chính phủ Romania - đồng minh thân cận của Mỹ - yêu cầu Nuclearelectrica phải tìm kiếm đối tác mới.
Quan hệ đối tác không đi đến đâu
Chỉ vài ngày trước đó, Israel - một đồng minh khác của Mỹ - giao dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ USD cho một công trong nước thay vì CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong. Quyết định được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Tel Aviv về việc Trung Quốc tăng đầu tư vào quốc gia Trung Đông.
Theo giới quan sát, đây là hai trong số những trường hợp phản ánh rõ ảnh hưởng quốc tế của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về dự án Nuclearelectrica bắt đầu từ tháng 11/2013, khi ông Lý Khắc Cường trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên trong 20 năm qua đến thăm Romania.
Khi đó, ông Lý ký với phía Romania hàng loạt thỏa thuận thương mại quy mô lớn, bao gồm biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Romania lung lay sau khi tổng thống Romania và Mỹ ký tuyên bố chung hồi năm ngoái, kêu gọi hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai nước.
Đầu năm nay, Thủ tướng Romania Ludovic Orban tuyên bố chính phủ nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc vì "mối quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc sẽ không đi đến đâu cả".
Nhà phân tích Andreea Brinza thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Romania nhận định Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu chính phủ Romania đi đến quyết định trên. "Có rất nhiều mối quan ngại về dự án này, từ việc Trung Quốc đầu tư vào hạ tầng nhạy cảm, CGN bị Mỹ đưa vào danh sách đen cho đến chuyện quân đội Mỹ đóng ở Romania", bà Brinza nói.
"Do đó, chính phủ Romania quyết định tốt nhất là ngừng dự án với CGN", bà phân tích. Nhà nghiên cứu Jakub Jakobowski thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (Ba Lan) đánh giá dự án hạt nhân ở Romania là ví dụ cho thấy đối đầu Mỹ - Trung đang diễn ra quyết liệt ở Trung và Đông Âu.
Ông cho biết Mỹ bắt đầu gây sức ép lên các nước khu vực này về Trung Quốc từ cuối năm 2018. Và trong vài năm trước đó, các nước khu vực cũng đã mất kiên nhẫn với những lời hứa về lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh.
Hy sinh quan hệ với Trung Quốc
“Nhiều nước quyết định hy sinh mối quan hệ không mấy hứa hẹn với Trung Quốc để lấy lòng Washington và Brussels”, chuyên gia Jakobowski nhấn mạnh. Các nước không muốn đánh mất quan hệ an ninh với Mỹ, đồng thời cũng muốn tăng cường hợp tác với Washington trong các lĩnh vực như 5G và phát triển các hạ tầng quan trọng khác.
"Nhưng mọi quốc gia đều làm ăn với Trung Quốc. Quả bóng giờ nằm ở phần sân của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể thực dụng hơn, thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực ít nhạy cảm, hoặc tiếp tục chính sách ngoại giao cứng rắn và tự hủy hết quan hệ với Trung và Đông Âu", ông nói.
Giới quan sát nhận định sự sụp đổ của những dự án lớn như thỏa thuận hạt nhân với Romania là đòn nặng giáng vào sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của chính quyền Bắc Kinh. Theo kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, sáng kiến này sẽ bao gồm các dự án trị giá 1.000 tỷ USD tại 125 quốc gia.
Bất chấp tác động kinh tế nghiêm trọng của dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn tỏ ý sẵn sàng đổ tiền cho các dự án Vành đai và Con đường. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này đầu tư trực tiếp 5,23 tỷ USD vào các khu vực phi tài chính ở 53 quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sáng kiến Vành đai và Con đường liên tục đối mặt với những tranh cãi, bao gồm việc các nước nghèo rơi vào "bẫy nợ" và cáo buộc Trung Quốc dùng nó để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Các quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo về những dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục chỉ trích các dự án Trung Quốc và cam kết rằng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với Trung và Đông Âu.
Ông Pompeo cũng công khai phản đối việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Israel, đồng minh thân cận của Mỹ. Ông cho rằng đây là diễn biến "đáng lo ngại". Sau đó, Israel đã bỏ qua CK Hutchison Holdings để giao dự án 1,5 tỷ USD cho một công ty trong nước.