Vành tang trắng sau bão
Sau cơn bão số 9 lịch sử, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, làm lại từ đầu. Bi đát hơn, có những gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân. Đó là hoàn cảnh thương tâm của một hộ nghèo ở thôn Hiệp Phổ Tây, ở xã Hành Trung (huyện Nghĩa Hành), gia đình vừa có người qua đời do tai nạn trong thời gian khắc phục hậu quả của cơn bão.
Nhà đã mất "nóc"
Vừa lo xong hậu sự cho chồng, bà Đoàn Thị Ngọc Chi, 53 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng. Đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn lệ dù bà đã cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Thật xót xa, chồng bà, ông Nguyễn Văn Huệ vừa qua đời chưa đầy một tuần.
Ngồi thẫn thờ nhìn vào di ảnh, đến bây giờ, bà Huệ vẫn không nghĩ người đàn ông "đầu ấp, tay gối", vài ba hôm trước đó còn khỏe mạnh, nói cười vui vẻ, vá xe đạp cho bà con lối xóm, cho bọn trẻ đi học thì nay đã nằm sau dưới lòng đất lạnh lẽo, trong khi những đợt mưa gió khắc nghiệt vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ba mẹ con bà Chi bên di ảnh ông Huệ.
Kể lại sự việc hôm đó, bà cho biết, khi cơn bão số 9 vừa đi qua, nhà bị tốc mái. Hai vợ chồng lo mua ngói lợp thì thiếu vài viên. Do giá ngói thời điểm đó quá đắt đỏ, chắt chiu từng đồng trong thời điểm mưa gió nên ông nói bà ở nhà cơm nước, còn ông chạy lên quê để xin thêm.
"Sẵn nhà người thân bọn nhỏ đang lợp ngói, ổng leo lên phụ giúp. Điều không may xảy ra, ổng té xuống chấn xương sọ não rồi bất tỉnh luôn. Mà có phải cao lắm đâu, vị trí trèo lên cũng chỉ cách chưa đầy 2m", bà nói.
Bà con hàng xóm hay tin, vội vàng đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh, rồi ra Đà Nẵng nhưng cái chết không chừa ông ra. Ông tử vong ngay đêm đó.
Tương lai của hai đứa trẻ khiến nhiều người xót xa.
Ngày tiễn ông đi, bão số 9 đã qua đi nhưng mưa như trút nước trước cơn bão số 10. Bà con hàng xóm, ai cũng tiếc cho một người con của xóm làng hiền lành, chất phát. Cả nhà gia đình khóc than vì một cái chết không đáng. Họ không trách ai, chỉ biết trách số phận hẩm hiu của anh và cái nghèo bám riết. Thấy vậy, hàng xóm mỗi người đồng lòng đóng góp một ít để bà Chi lo hậu sự cho ông.
"Con vẫn phải cố gắng để đến trường ..."
Từng đoàn người vào viếng đều xót thương cho số phận của ông Huệ. Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó. Mãi đến khi ngoài 30 tuổi, mới may mắn gặp được bà Chi, rồi lập gia đình, sinh được hai đứa con trai. Thế nhưng sức khỏe hai vợ chồng ốm yếu nên hàng chục năm trời đều là hộ nghèo nhất ở địa phương.
"Vợ chồng, con cái thằng Huệ nếu không nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thì cũng không có chỗ che nắng, che mưa. Con bò, con heo trong nhà cũng là con giống do Nhà nước hỗ trợ đấy. Ăn còn phải chạy từng bữa nữa huống chi làm giàu. May mắn có Nhà nước hỗ trợ, con cái nó bây giờ mới được đến trường", ông Huỳnh Sĩ Hải, 61 tuổi, người hàng xóm ở đây đã nói như vậy.
Ngôi nhà tềnh toàng mà cả nhà an cư bao năm qua là ngôi nhà Đại đoàn kết được trích từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh, hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng, từ năm 2009. Ban đầu hai vợ chồng gom góp thêm mới xây được mặt diện phía trên, gồm có phòng khách, phòng ngủ. Đến nay vừa mở rộng thêm nhà bếp nhưng cũng chưa kịp quét vôi, làm lại nền.
Ngôi nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ từ năm 2009 của gia đình.
Nghề vá xe đạp của ông Huệ tại nhà là thu nhập chính của gia đình. Trước đây khi học sinh, người dân đi xe đạp nhiều, ông Huệ kiếm kha khá. Rồi xe đạp điện hiện đại trở nên phổ biến nên cũng ế ẩm. Bà Chi phải đi làm thuê, làm mướn thêm mới có tiền cho con đi học.
"Ngôi nhà nhỏ giờ đây như mất đi một cánh tay, với nỗi đau đớn không nguôi. Tôi mất đi một người chồng. Con không cha như nhà không nóc, hai đứa con trai đang độ tuổi ăn học, một đứa lớp 6, một đứa lớp 12 mất đi một người cha tận tụy hết lòng vì cái chữ cho con, chỉ mong được thay đổi số phận. Đời mình đã nghèo, chỉ trông mong ở đời con cái. Thế mà, bây giờ cuộc sống chơi vơi quá...", bà Chi nghẹn ngào.
Chồng đi rồi cũng chẳng có cách gì để ở lại với 3 mẹ con. Tương lai 2 đứa trẻ là nỗi bận tâm nhất của bà Chi. May mắn là các con đều ngoan ngoãn, học giỏi, giàu nghị lực. Đứa lớn vào mỗi mùa hè còn biết đi làm thuê ở vựa ve chai để phụ giúp cha mẹ và kiếm tiền đi học.
"Thương và nhớ cha lắm! Nhưng em phải thật cố gắng để làm chỗ dựa cho mẹ và em trai sau này. Dẫu biết con đường học tập những ngày sau không có cha sẽ khó khăn gấp nhiều lần nhưng em sẽ không bỏ cuộc...", cậu con trai lớn Nguyễn Văn Trí bày tỏ.
Nước lũ vẫn đổ về cuồn cuộn, những cơn bão chưa dứt, mưa vẫn còn trắng trời... đã để lại bao nỗi đau, gây chia lìa, bất hạnh cho nhiều gia đình ở miền Trung. Đáng thương nhất là những đứa trẻ thơ đã sớm phải chịu cảnh mồ côi ở vùng quê nghèo. Sau cơn bão, tương lai và số phận của những "vành tang trắng" thật đáng thương biết bao!
Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Bà Đoàn Thị Ngọc Chi, thôn Hiệp Phổ Tây, ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành. Số điện thoại: 0985960120, hoặc 0379370579 (gặp bà Chi).
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2034/202011/vanh-tang-trang-sau-bao-3029677/