Vào cuộc quyết liệt để gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam
'Điều kiện tiên quyết để EC gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản của Việt Nam là phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng ngay trong quý I/2023, chúng ta vẫn để xảy ra 6 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài' - ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại buổi họp báo Quý I/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức ngày 31/3.
Tính đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam được 5 năm, 5 tháng, 9 ngày.
Trong thời gian vừa rồi, trong bối cảnh nghề cá truyền thống nước ta đang chịu áp lực lớn bởi chúng ta có số lượng tàu cá khai thác rất lớn, phần lớn bà con ngư dân khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống.
Thực hiện Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai Nghị quyết 81 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả các bộ, ngành liên quan và các địa phương quán triệt, triển khai Quyết định 81, nêu rõ mục tiêu chúng ta phải hoàn thành đến tháng 5/2023.
Qua hội nghị, công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết 81 đã tới được cấp xã, cấp huyện và các đơn vị quản lý. Các tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết. Tại địa phương, các sở, ban, ngành và lực lượng thực thi pháp luật đều vào cuộc.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra trực tiếp 5 tỉnh: Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định nhằm kiểm tra, hướng dẫn, bàn giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành khai thác thủy sản.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sau khi Quyết định 81 được ban hành, các ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống khai thác IUU đã xuống địa phương họp, bàn triển khai các nhiệm vụ.
Tại các cảng cá, hiện nay lực lượng văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá gồm lực lượng thanh tra, chi cục thủy sản, Biên phòng kiểm soát rất chặt chẽ tàu cá ra vào cảng.
Theo ông Hùng, trong mục tiêu của Quyết định 81 có một số mục tiêu chính, việc chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn rất khó khăn. Ngay trong quý I, chúng ta vẫn để xảy ra 6 vụ tàu cá của các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bình Định vi phạm vùng biển Malaysia.
Ông Hùng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết để EC gỡ “thẻ vàng” cho khai thác thủy sản của Việt Nam là phải chấm dứt tình trạng tàu các vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hiện nay, các tỉnh đã rất tích cực vào cuộc thực hiện các khuyến nghị của EC nhưng khi kiểm tra vẫn còn nhiều sai sót, vướng mắc lớn nhất là nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện. Điều này gây khó khăn cho việc gỡ “thẻ vàng” của EC.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cuối tháng 5/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Hiện, việc quản lý và giám sát đội tàu là 2 nhiệm vụ quan trọng nhất. Năm 2022, chúng ta để xảy ra 81 vụ/101 tàu vi phạm, 3 tháng đầu năm vẫn để xảy ra 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, triển khai thực hiện Quyết định 81, trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn. Ở các địa phương, việc quản lý đội tàu phải có kế hoạch, giải pháp rất cụ thể. Hiện, 96% tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã được định vị nhưng phải đảm bảo không bị mất kết nối; 4% tàu cá còn lại chưa được lắp thiết bị giám sát hành trình có nguy cơ rất cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
EC đã khẳng định nếu còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài thì sẽ không gỡ “thẻ vàng”. Vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để gỡ “thẻ vàng” của EC phải có sự vào cuộc hết sức quyết liệt của các ban, bộ, ngành, địa phương.