Vào cuộc tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp: Bài 1 - Chồng chất khó khăn, thách thức
Từ đầu năm đến nay, cả nước tiếp tục phải đối mặt với diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống KT-XH, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN). Hoạt động thu hút đầu tư và phát triển DN đạt kết quả thấp. Tính trong 9 tháng năm nay, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và giải thể tự nguyện chiếm tỷ lệ lớn so với số DN thành lập mới. Nhiều dự án tiến độ triển khai chậm. Thực tế này đòi hỏi nhanh chóng có giải pháp khắc phục khó khăn, kịp thời hỗ trợ DN phục hồi sản xuất và thúc đẩy dự án đầu tư vào tỉnh.
Your browser does not support the audio element.
>> Bài 2 - "Thông tuyến" cho các dự án đầu tư
Những tháng giữa năm 2021, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam - Hòa Bình (khu công nghiệp Lương Sơn) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu hụt nhân lực sản xuất.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN hoạt sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn do nhu cầu thị trường sụt giảm; giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào gia tăng; các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, cung cấp dịch vụ ngưng trệ cục bộ; việc làm, thu nhập của người lao động gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư dự án còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...
Báo cáo UBND tỉnh qua tổng hợp ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của các DN, HTX trong tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cho biết: Có thời điểm, nhiều DN phải ngừng sản xuất do thiếu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào. Có những DN hoạt động trong tình trạng cầm chừng để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm lượng khách du lịch đến với tỉnh, nhất là khách quốc tế. DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu giảm mạnh. Chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa tăng cao, có lúc tăng đến 30%, dẫn đến hoạt động kinh doanh của DN phải bù lỗ. Nhiều DN, HTX khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp, khó thuê mượn đất sản xuất. Tuy lãi suất vay giảm nhưng không đáng kể; việc giãn, cơ cấu các khoản nợ gặp nhiều khó khăn…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Các DN hoạt động tại Hòa Bình chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ nên phải chịu tác động nặng nề trước "cơn bão” dịch bệnh Covid-19, nhất là phải đối mặt với khó khăn về vốn đầu tư và lãi suất ngân hàng. Thực tế nhiều tháng qua, có những DN không thể hoạt động, không làm ra sản phẩm nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Do vậy, DN mong mỏi được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng lãi suất vay ngân hàng để giảm gánh nặng tài chính. Ngoài ra, đối với vấn đề đầu tư tại tỉnh, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã có ý kiến với Hiệp hội DN tỉnh là hiện nay, triển khai một số dự án thực hiện theo hình thức thỏa thuận, như đầu tư về du lịch, sân golf đang có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”. Thể hiện ở chỗ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chỉ đạo quyết liệt, nhưng ở dưới có một bộ phận cán bộ, chuyên viên chưa thực sự có trách nhiệm, thậm chí có động thái cản trở DN, nhất là ở việc đầu cơ mua bán, cò đất, đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, tiến độ triển khai dự án. Các DN rất mong UBND tỉnh vào cuộc chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cũng về vướng mắc khi thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, nhiều NĐT phản ánh: Các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư dự án; các loại hình quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, chưa thống nhất nên trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án, DN gặp rất nhiều trở ngại.
Mới đây, tại hội nghị của UBND tỉnh về tập trung tháo gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các DN, HTX, ông Lê Anh Tùng, Giám đốc Ban Đầu tư Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ: Khi dừng chân tại Hòa Bình, chúng tôi nhận thấy tỉnh có nhiều cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án cho thấy, hiện tại, có một số quy hoạch của tỉnh đang trong quá trình triển khai, nếu công tác quy hoạch làm chậm sẽ là rào cản khá lớn khi NĐT phải chờ đợi. Thực tế trong bối cảnh dịch Covid-19, các DN đầu tư không phải DN nào cũng khỏe mạnh, mà vẫn có những khó khăn nhất định. Do vậy, nếu các thủ tục đầu tư thông thoáng sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho DN. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đồng hành với DN xác lập ra mốc thời gian, lộ trình cụ thể trong quá trình đầu tư. Chúng tôi cũng cam kết mạnh mẽ, thậm chí có thể đặt cọc tiền để triển khai đầu tư nếu luật pháp cho phép, nhằm thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, không để lỡ cơ hội của NĐT.
Trao đổi về khó khăn trong trình tự thủ tục, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T bày tỏ: NĐT mong muốn tỉnh làm đúng, làm chuẩn nhưng phải nhanh đối với các trình tự thủ tục đầu tư. Bởi với DN thì thời gian chính là tài sản, là cơ hội. Hiện, chúng tôi đang triển khai xây dựng điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình và huyện Đà Bắc. Các ban, ngành đã vào cuộc hết sức trách nhiệm, nhưng trình tự thủ tục để phê duyệt quy hoạch có quá nhiều bước, nên NĐT đề xuất có thể ghép các bước song song với các cuộc báo cáo để rút ngắn được thời gian làm quy hoạch, bởi quy hoạch là điều kiện đầu tiên để triển khai các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ của nhiều dự án, nhất là đối với các dự án NĐT phải thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các vị trí được phê duyệt quy hoạch thành lập khu, cụm công nghiệp, khu du lịch… chưa được đầu tư đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội tại địa phương. Quỹ đất sạch tại các huyện, thành phố còn ít đã ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào địa bàn…(còn nữa)