Vào cuộc với trách nhiệm cao nhất
Thông tin mới nhất: Kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đợt 3 trong giới hạn cho phép Xét nghiệm nước miễn phí cho khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sạch sông Đà
(HNM) - Trong những năm qua, cung cấp nước sạch là một trong những vấn đề dân sinh được thành phố Hà Nội rất quan tâm. Đặc biệt với khu vực ngoại thành, bằng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành chức năng, đến hết tháng 9-2019 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 65%, hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đặt ra (đến năm 2020 có 50% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch).
Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động phát triển hạ tầng kỹ thuật, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp về vốn, mặt bằng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nước sạch; công khai danh mục thu hút đầu tư dự án cấp nước… để phát triển mạng cấp nước sạch, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đáng chú ý là trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân khu vực ngoại thành. Đây là yếu tố quan trọng giúp mạng lưới cấp nước sạch từng bước mở rộng, hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống dân sinh.
Có thể nói, mạng lưới cấp nước sạch nông thôn được mở rộng là việc thực sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh ở không ít nơi đang có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm kim loại nặng, không bảo đảm chất lượng sử dụng; hoặc sụt giảm sản lượng khai thác, không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiện, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở khu vực nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 có 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố nhằm nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Do đó, các cấp, ngành, địa phương phải thực hiện tốt nhiệm vụ đã được UBND thành phố giao tại Văn bản số 4450/UBND-ĐT (ngày 8-10-2019).
Vấn đề trọng tâm đặt ra hiện nay là tập trung nguồn lực để đẩy nhanh việc bao phủ mạng lưới với những địa phương xa nguồn cấp nước, như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì... Để làm việc này, vai trò trước hết thuộc về chính quyền địa phương, khi cần sát sao hơn nữa trong kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời bám sát quy hoạch, tham mưu, đề xuất dự án mới bảo đảm nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; đề xuất thay ngay chủ đầu tư năng lực yếu kém, để dự án chậm tiến độ; tiếp thu, giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân, nhà đầu tư…
Cũng ở những địa bàn này, công tác tuyên truyền phải được các địa phương đẩy mạnh để nhân dân ủng hộ việc xây dựng dự án cấp nước và quan trọng hơn là hiểu rõ lợi ích trong sử dụng nước sạch. Bởi có thực tế là dù đã được cung cấp nước sạch nhưng vẫn có hộ dân giữ thói quen dùng nước giếng khoan để giảm chi phí.
Đối với các ngành chức năng thành phố, cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp (nếu có). Tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư dự án nước sạch. Đặc biệt, cần có đánh giá mặt bằng đời sống người dân nông thôn để tham mưu ban hành chính sách về giá nước sạch phù hợp, vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích người dân sử dụng lâu dài.
Các nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng cam kết, bảo đảm chất lượng; tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong tuyên truyền về sử dụng nước sạch, bảo vệ hệ thống cấp nước nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát…
Không gì khác, vì chất lượng sống của nhân dân tốt hơn, các đơn vị, địa phương cần vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.