Vào đại học không phải là con đường duy nhất

Lâu nay, tâm lý của đại đa số người dân vẫn còn khá nặng nề về vấn đề thi cử, thì tấm bằng đại học vẫn được xem như là một giá trị chuẩn mực. Nhưng trên thực tế, đại học có phải con đường duy nhất để chạm đến thành công?

Thí sinh chuẩn bị nhận đề thi tại điểm thi Trường THPT Tân Sơn.

Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để mỗi người khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại.

Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp họ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Sau khi học phổ thông việc tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.

Đa số phụ huynh hiện nay đều cho rằng học đại học chính là điều kiện đảm bảo tương lai tốt đẹp nhất cho con em của mình. Nên nhiều người đã tạo áp lực cho con về điểm số, thứ bậc trong lớp, trong trường, ngay cả khi con còn ở bậc tiểu học, THCS. Không thể khẳng định suy nghĩ, tư tưởng của các bậc phụ huynh là sai hoàn toàn khi trong thực tế những công việc, vị trí làm việc tốt đều yêu cầu, đòi hỏi có bằng cấp. Khách quan mà nói, học đại học là rất cần thiết và quan trọng. Bởi trong môi trường giáo dục, đặc biệt là môi trường giáo dục đại học (môi trường giáo dục đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho người học), sinh viên sẽ được tiếp cận các kiến thức một cách nhanh nhất qua sách vở và thực hành. Những kiến thức này sẽ giúp các em có kinh nghiệm và kỹ năng trong các công việc sau này.

Qua mỗi mùa thi, có nhiều bạn trẻ thất vọng vì không thể bước vào đại học, thậm chí nhiều bạn có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những việc làm phá hỏng cả tương lai của mình bởi xem đại học là con đường lớn lao mà không bước vào được thì sẽ cảm thấy xấu hổ và tồi tệ, cảm thấy thua kém bạn bè. Nhưng hiện nay, có một thực trạng là có nhiều người học đại học xong nhưng tấm bằng thì cất vào tủ rồi đi làm công việc gì đó để kiếm sống. Nhiều sinh viên ra trường đạt bằng giỏi nhưng lại khó xin việc, bởi ít được thực hành dẫn đến thiếu kỹ năng cứng và mềm. Đã có ý kiến phản biện rằng đại học trang bị cho sinh viên kiến thức nhanh chóng nhất nhưng tại sao vẫn có hàng ngàn sinh viên thất nghiệp mỗi năm? Và rất ít sinh viên ra trường làm việc đúng chuyên ngành đào tạo?...

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương hoàn thành bài thi.

Vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn. Năm nay, cả nước có hơn 941.000 thí sinh dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học, nhưng đến hết ngày 23/8, thống kê của Bộ GD-ĐT chỉ có hơn 65% thí sinh nhập nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh. Còn trên 30% các em không đăng ký nguyện vọng học đại học. Với con số này, các chuyên gia nhận định, có thể những thí sinh ấy đã xác định rõ và đăng ký vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng để phù hợp với năng lực và thời gian học tập cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.

Mỗi người nếu không có lựa chọn thông minh thì sẽ ảnh hưởng cả tương lai của bản thân. Vì thế, việc vào đại học hay không cũng không còn quá quan trọng như trước nữa. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà mỗi người có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nhiều bạn trẻ học THPT xong do hoàn cảnh gia đình lại lựa chọn đi học nghề, hay đi xuất khẩu lao động, lựa chọn làm những công việc phù hợp với khả năng, có ích cho gia đình, xã hội. Sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người. Bởi vậy những ai không đỗ đại học thì đừng có buồn, còn rất nhiều con đường giúp chúng ta đến thành công và đại học không phải duy nhất. Hãy nhớ, khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra.

Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học nhưng vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ học đại học năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, chưa tốt nghiệp trung học nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford. Ở Việt Nam, cũng có không ít “đại gia” giàu có, là chủ của các tập đoàn lớn nhưng không hề học qua đại học. Điển hình như Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức không học đại học, chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng ý chí và ý tưởng kinh doanh của ông không thua kém bất cứ doanh nhân thành đạt nào ở Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo khó và bốn lần thi trượt đại học, nhưng không phải vì thế mà cánh cửa kinh doanh và cuộc đời của ông khép lại. Sau rất nhiều sự nỗ lực và cố gắng với thành công ban đầu là một xưởng gỗ ông đã có chỗ đứng và thành đạt như ngày hôm nay…Những tấm gương thành công trên đã cho thấy, chỉ cần là người có tâm huyết, ham học hỏi, đam mê… thì vẫn có thể thành công trên chính đôi chân của mình và bằng đại học không phải là lựa chọn duy nhất để đi đến thành công.

Vậy, hãy thay đổi tư tưởng của bản thân, trượt đại học không thể coi là một thất bại, không học đại học thì không có cơ hội phát triển… Điều này, nó lại mở ra con đường đi đến thành công khác cho mỗi người. Quan trọng là chúng ta không được bỏ cuộc, bởi “bỏ cuộc chắc chắn là cách duy nhất để thất bại” (Gena Showalter).

Tựu chung lại là, dù có học đại học hay không thì con đường để thành công không thể nào không học tập. Cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lênin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Hãy xem cuộc đời là một trường đại học, cuộc sống chính là nhà trường mà ở đó mỗi người có thể học hỏi được rất nhiều điều mới lạ.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/vao-dai-hoc-khong-phai-la-con-duong-duy-nhat/186538.htm