'Vào guồng' ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Học sinh lớp 12 toàn tỉnh đã bước vào giai đoạn tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (gọi tắt là Kỳ thi) được nửa chặng đường. Trong chặng ôn tập 'tăng tốc' khoảng 4 tuần nữa, thầy và trò các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, nỗ lực ôn thi, giữ vững tinh thần, phấn đấu giành kết quả tốt nhất.

Cô và trò Trường THPT Ninh Bình-Bạc Liêu trao đổi kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Cô và trò Trường THPT Ninh Bình-Bạc Liêu trao đổi kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Giữ vững tâm lý thoải mái

Theo kế hoạch, học sinh lớp 12 có khoảng 2 tháng chính thức ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Chương trình ôn bắt đầu từ trung tuần tháng 4 đến ngày 22/6 để học sinh có gần 1 tuần nghỉ ngơi để bước vào kỳ thi chính thức. Học sinh đã được nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp; tổ chức tốt công tác ôn tập, kiểm tra, đánh giá; phân tích các kết quả thi khảo sát, đánh giá chất lượng để các trường có "phương án" tiếp tục bồi dưỡng, rèn kỹ năng cho học sinh.

Em Ninh Hoàng Duy An, lớp 12A1, Trường THPT Yên Mô B cho biết: Em đăng ký dự Kỳ thi bằng bài thi KHTN. Đối với học sinh lớp 12, những tháng cuối năm dường như đã quen việc thi cử. Đặc biệt, qua đợt khảo sát bằng đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong tháng 5/2024, em thấy đề bao quát nhiều chủ đề nên sẽ giúp học sinh tự đánh giá bản thân chưa hoàn thiện kiến thức phần nào để cải thiện những kiến thức còn chưa vững đó. Sau mỗi lần thi thử em thấy mình tiến bộ hơn từng ngày. Cùng sự dìu dắt, ôn luyện của thầy cô giúp em tiếp tục nâng cao kiến thức của bản thân để đạt kết quả tốt Kỳ thi và đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo chia sẻ của hầu hết học sinh lớp 12, các em đều cảm thấy rất thoải mái, yên tâm vì các thầy cô ôn luyện nhiệt tình, tận tâm truyền đạt những kiến thức quan trọng, chỉ ra những kinh nghiệm xử lý các tình huống, câu hỏi tư duy để các em có kiến thức vững vàng hơn. Ngoài ra, thầy cô giáo còn hướng dẫn giải thêm những dạng đề các năm trước, phân tích độ phân hóa từng dạng đề để giúp các em có nhiều trải nghiệm trong nhận biết khi gặp phải trong đề thi sắp tới.

Không chỉ chú trọng kiến thức cho học sinh, các nhà trường quan tâm tạo môi trường học tập cho học sinh thư giãn, có nhiều cách làm hay để xốc lại tinh thần, động viên các em thoải mái ôn thi tốt; khuyến khích các em học nhóm, học cùng nhau tại thư viện, các phòng học trống buổi chiều; tổ chức hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe cho học sinh trong thời gian nghỉ giữa giờ; chia sẻ những thông tin mới liên quan đến Kỳ thi và thông tin thời sự quan trọng của thầy cô, coi đó là "cẩm nang" hữu ích giúp học sinh được trang bị kiến thức mở, nhẹ nhàng và dễ tiếp nhận.

Giờ ôn tập môn Ngữ văn lớp 12 của học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Minh Quang

Em Phạm Khánh Linh, lớp 12M, Trường THPT Kim Sơn C cho biết: Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong đề thi sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực để phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất của người học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, em dành tối đa thời gian ôn tập, thường xuyên hỏi bài thầy cô dạy ở trường; tích cực xem các chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam để nắm bắt sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội để học thêm, trau dồi kiến thức thực tiễn và bước vào Kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Chủ động ôn tập sát đối tượng

Kỳ thi năm nay được đánh giá cơ bản ổn định, không có nhiều thay đổi so với Kỳ thi năm 2023. Để nâng cao chất lượng Kỳ thi, bám sát sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT các nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập đảm bảo nội dung ôn tập bám sát cấu trúc, mức độ đề thi; tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ôn thi tốt nghiệp; tổ chức thi thử cho học sinh từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác dạy và học; các nhà trường, giáo viên và học sinh xác định chỉ tiêu cần đạt trên tinh thần quyết tâm cao nhất.

Thầy giáo Trần Văn Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Mô B cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã bố trí, sắp xếp lớp cho học sinh theo khả năng, năng lực. Hiện tại, nhà trường có 403 học sinh lớp 12, trong đó có 138 học sinh thi bài thi KHTN và 265 học sinh thi bài thi KHXH. Các lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ cũng như các kỳ thi thử trong năm của trường, cụm trường và qua 2 lần khảo sát, đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường được duy trì tốt. Kết quả lần khảo sát thứ nhất, trường xếp thứ 10/27 trường THPT tham gia khảo sát; lần khảo sát thứ 2, nhà trường xếp thứ 6/27 Trường THPT tham gia khảo sát. Điểm bình quân các môn thi đảm bảo theo kế hoạch và chỉ tiêu của nhà trường. Sau mỗi lần thi, giáo viên phân tích điểm của từng em, đặt chỉ tiêu phấn đấu cho từng em, phân loại học sinh để có kế hoạch ôn tập sát, đúng, trúng. Phấn đấu, kết quả tại Kỳ thi năm 2024, nhà trường xếp trong tốp 5 trường có điểm thi cao nhất trong toàn tỉnh.

Kiểm tra hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của học sinh lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Minh Quang

Tại các Trung tâm GDNN-GDTX, không khí ôn tập đang rất khẩn trương. Thầy giáo Bùi Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nho Quan cho biết: Năm học 2023-2024, Trung tâm có 5 lớp 12 với tổng số 205 học viên. Tất cả học viên đều đăng ký dự thi các môn bắt buộc (Văn, Toán), lựa chọn môn KHXH (Sử, Địa).

Để giữ vững và phát huy kết quả đạt được nhiều năm qua, ngay từ đầu năm học, Ban Giám đốc Trung tâm đã quan tâm đến việc lựa chọn giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy các môn ôn thi tốt nghiệp lớp 12 là những người có uy tín, có chuyên môn tốt và có kinh nghiệm ôn tập. Xây dựng kế hoạch ôn tập. Duyệt kế hoạch ôn tập, giáo án của các giáo viên dạy ôn tập. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn thi của giáo viên bộ môn; công tác quản lý của giáo viên chủ nhiệm. Cập nhật thông tin từng ngày về tình hình học tập của từng lớp.

Trong các buổi học ôn tập, Ban giám đốc thường xuyên đi kiểm tra việc dạy học của giáo viên để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dạy học; đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên; đánh giá thái độ và tinh thần trách nhiệm của giáo viên qua đó có biện pháp xử lí hoặc biểu dương đối với từng giáo viên. Thông qua kiểm tra để nắm bắt tình hình học tập của học viên, để biết được tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó có thể có những biện pháp giúp đỡ học viên tốt hơn. Quan tâm giúp đỡ những học viên yếu kém và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thành lập nhóm Zalo, Zoom, … của lớp để giáo viên hỗ trợ học viên học tập tại nhà vào buổi tối.

Chú trọng thực hiện phương pháp ôn tập phù hợp với từng đối tượng học viên và nội dung của môn học. Quan tâm việc giúp học viên học tập ở các mức độ nhận thức-thông hiểu và vận dụng kiến thức. Có nhiều hình thức kiểm tra (kiểm tra việc học bài và chuẩn bị bài của cá nhân học viên, tự kiểm tra đánh giá của học viên, tự kiểm tra đánh giá trong nhóm học tập.....); nắm chắc mức độ tiếp thu của học viên để có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học viên, nhất là những học viên yếu kém.

Trong quá trình ôn tập cần phải hệ thống hóa được kiến thức cho học viên, giúp học viên nắm được kiến thức cơ bản để vận dụng. Hướng dẫn học viên tiếp cận đề thi và đáp án của Bộ GD-ĐT. Cho học viên làm đề cương ôn tập và bài kiểm tra thử. Chấm bài kiểm tra và chữa đề để nắm bắt được mức độ tiếp thu kiến thức của học viên. Hướng dẫn học viên biết phân tích đề, xác định trọng tâm, cân đối thời gian hợp lí để làm bài có hiệu quả cao nhất (nhất là bài thi trắc nghiệm). Tận dụng hết quỹ thời gian ôn tập đầy đủ theo nội dung hướng dẫn...

Thời điểm này, không khí ôn luyện của thầy và trò Trung tâm đang rất khẩn trương với quyết tâm sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, phấn đấu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-vao-guong-on-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024/d20240524102817959.htm